Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

Đừng khoác áo cũ lên cơ thể mới

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:36 - Chia sẻ
“Thách thức lớn nhất để thúc đẩy kinh tế chia sẻ là thể chế và cơ sở dữ liệu. Hiện chúng ta vẫn áp đặt tư duy của kinh tế kế hoạch hóa vào thời kỳ mà công nghiệp 4.0 đã đi sâu vào thị trường, khác nào cứ dùng cái áo cũ khoác lên cơ thể mới”. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe phát biểu tại Hội thảo Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 10.10.

Tiềm năng phát triển lớn

Ngày 12.8.2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ - TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (Đề án) nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đồng thời, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Trên thực tế, “mặc dù kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh ở nước ta nhưng có tiềm năng phát triển lớn”, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM Nguyễn Mạnh Hải nói. Đó là có hạ tầng công nghệ thông tin tốt, tỷ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại thông minh cao (theo một báo cáo của We Are Social và Hootsuite thực hiện trong năm nay, có 97% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động, 72% có smartphone, 43% có laptop hoặc máy tính để bàn, 13% có máy tính bảng - PV). Hiện, đã có một số loại hình hoạt động trong lĩnh vực vận tải trực tuyến như Grab, Goviet, be… du lịch (Triip.me), dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng…

Trưởng phòng Pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật Ngô Vĩnh Bạch Dương nhìn nhận, những dịch vụ mới trên nền tảng số (trong đó có vận tải trực tuyến) liên tục được phát triển với sự tối ưu về chi phí giao dịch. Điều này không chỉ đem lại những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng cuối cùng trong cách thức yêu cầu và thanh toán để thụ hưởng dịch vụ mà còn tạo ra hàng loạt hệ quả tích cực như giá cả rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, cách thức giải quyết tranh chấp rõ ràng và đơn giản hơn; các nguồn lực nhàn rỗi được tận dụng và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội. Đồng thời, tạo áp lực cần thiết để các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống phải đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ quản lý để tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe cho biết, kinh tế chia sẻ thể hiện ở hoạt động cho vay ngang  hàng. Đó là khoản cho vay trực tiếp giữa người cho vay sang người đi vay thông qua nền tảng kết nối trực tuyến (platform) mà không qua bất cứ khâu trung gian tài chính nào. Thông qua hoạt động này, người đi vay dễ tiếp cận vốn trong thời gian nhanh, được tiếp cận nhiều dạng sản phẩm cho vay với lãi suất thấp hơn vay trung gian tài chính. Còn đối với người cho vay được hưởng lợi nhuận cao hơn, phân tán rủi ro và có nhiều cơ hội lựa chọn người đi vay. Về phía thị trường, đa dạng hơn về kênh dẫn vốn, tăng tiếp cận tài chính; tài nguyên dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp được khai thác hiệu quả…


Nguồn: ITN

Thách thức từ thể chế và chia sẻ dữ liệu

Trong bối cảnh Nhà nước vẫn chưa có quy định chung cho các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ mà là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực; việc cấp giấy phép kinh doanh cho các hoạt động kinh tế chia sẻ còn gặp nhiều vướng mắc do hoạt động này chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh khiến lúng túng trong việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế… các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện Đề án sẽ bảo đảm cho Việt Nam tận dụng được tiềm năng phát triển loại hình này, thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, hiện chúng ta đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn nhất gồm thể chế và cơ sở dữ liệu. “Thể chế có kịp đổi mới để tạo điều kiện định hướng cho thị trường phát triển không? Cơ sở dữ liệu động đâu thiếu đó, 50% bộ ngành không chịu chia sẻ dữ liệu thì lấy đâu ra số hóa, lấy đâu ra chia sẻ dữ liệu?”, ông Hòe đặt câu hỏi.

Cũng theo vị chuyên gia này, chính bởi thị trường luôn đi trước, trong khi cơ quan quản lý nhà nước thường bảo thủ, thậm chí trì trệ nên “cần cuộc cách mạng về tư duy chính sách”. “Hiện chúng ta vẫn áp đặt tư duy của kinh tế kế hoạch hóa vào thời kỳ mà công nghiệp 4.0 đã đi sâu vào thị trường, khác nào cứ dùng cái áo cũ khoác lên cơ thể mới. Đó là điều khó chấp nhận”, ông Hòe nói.

Cho rằng các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển mới của kinh tế nền tảng, ông Ngô Vĩnh Bạch  Dương kiến nghị: “Chính phủ nên tiếp cận theo hướng cởi bỏ các điều kiện  kinh doanh thay vì áp dụng các  điều kiện kinh doanh gò bó của mô hình kinh doanh truyền thống lên các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo”. Trong quá trình quản lý các nền tảng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các đối tác yếu thế trong giao dịch”.

Riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải cần khẳng định vị trí trung gian thương mại của nền tảng ứng dụng đặt xe. Xác định tư cách tham gia của người chia sẻ thông qua việc đăng ký lái xe tự doanh, xóa bỏ cấp trung gian là các hợp tác xã vận tải. Đặc biệt, “không cho phép sử dụng tài sản thuê, mượn để thực hành kinh tế chia sẻ”, đại diện Viện Nhà nước và pháp luật nói.

Đan Thanh