Sổ tay phóng viên

Đừng biến nông dân thành nhà đầu cơ

- Thứ Bảy, 04/02/2012, 07:22 - Chia sẻ
Đã từ lâu, người dân Tây Nguyên hình thành một thói quen là sau thu hoạch, sản phẩm được ký gửi vào kho của các doanh nghiệp, các đại lý kinh doanh nông sản kiêm cung cấp vật tư phân bón. Ngoài việc có nơi tạm trữ sản phẩm, đại lý nông sản thực sự đã trở thành “bà đỡ” của nhà nông. Suy cho cùng, gửi đại lý cũng là để duy trì quan hệ với nguồn đầu tư cho nhà nông khi mà đối với họ, ngành ngân hàng còn quá nhiêu khê, thậm chí xa vời.

Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy việc gửi kho tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, nhất là những khi giá cả biến động mạnh. Cà phê gửi kho thường được bán ngay để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Khi giá cao, người gửi đến chốt giá thì bên nhận gửi không còn khả năng chi trả (nhưng nếu giá thấp thì bên nhận gửi ăn đủ). Hàng loạt doanh nghiệp cà phê phá sản (và có nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản, chỉ còn chờ ngày…) đều có nguồn gốc từ lối kinh doanh bán trước mua sau này.

Rủi ro thì ai cũng thấy nhãn tiền, điển hình như vụ 40 hộ dân gửi 188 tấn cà phê vào kho của Inexim (Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Đăk Lăk) tại huyện Đăk Min từ năm 1999-2000 đến nay dù đã qua hết tòa này tới tòa kia mà người dân gửi vẫn chưa lấy được. Kinh khủng hơn là vụ gửi chốt giá sau lên đến hơn 18.000 tấn cà phê, đã đưa ra tòa xử, rồi kháng cáo đến nay cũng vẫn chưa xong. Và hàng loạt công ty, doanh nghiệp bể nợ cà phê khắp Tây Nguyên với hàng ngàn tỷ đồng đều có liên quan đến chuyện ký gửi cà phê. Thêm vào đó, đa phần người trồng cà phê sống gắn liền với rẫy nương, nhà cửa cũng không được kiên cố, lại cách xa nhau nên chuyện xảy ra ở rẫy này mà rẫy bên cạnh có khi không hề biết. Kẻ gian rình mò gia chủ đi vắng, không có ai ở nhà đã đưa cả xe công nông vào chở trộm hàng tấn cà phê (có khi còn gây ra những vụ án mạng rất bi thảm). Bên cạnh đó, còn có những chuyện đau lòng nữa là chính con cái đua đòi ăn chơi trở thành kẻ trộm ngay chính trong nhà của mình. Vì thế, xây kho dự trữ ở nhà khi chưa có nhu cầu bán là lựa chọn hợp lý của nông dân Tây Nguyên hiện nay.

Gần đây, một số nông sản có giá trị xuất khẩu càng để đến cuối vụ giá càng tăng cao như hồ tiêu và mới nhất là cà phê tăng đến 40%. Điều này kích thích người nông dân cầm hàng lại không bán vội. Cho nên việc xây kho để dự trữ cùng lúc đáp ứng được nhiều nhu cầu của người trồng cà phê một cách thỏa đáng. Nhưng nói nông dân xây kho để dự trữ, để đầu cơ giá cao thì không đúng. Ai cũng biết khoảng 70% số nông hộ sản xuất cà phê có diện tích vài ha, trong đó số nông hộ có từ 1 ha trở xuống chiếm quá nửa. Với diện tích quản lý ít ỏi, trong khi đầu tư cho cây cà phê không hề nhỏ thì lợi nhuận đem lại cho nông hộ nếu không có thêm thu nhập khác (và cà phê không rớt giá) cũng chẳng đáng là bao và cuộc sống của họ thừa chật vật rồi, lấy đâu mà xây kho để đầu cơ.

Nhà nông chúng ta thường có tâm lý bầy đàn. Những khi nông sản được giá, xin đừng hô hào ca ngợi là họ biết cầm hàng đợi giá, là chủ động điều tiết thị trường, là đẩy giá lên cao… Bài học về hạt điều vừa qua đã quá đủ. Chúng ta vô tình  kích thích biến nông dân thành nhà đầu cơ trong khi thị trường tiềm ẩn những biến động khó lường mà ngay cả những nhà kinh tế sừng sỏ trên thế giới thành công hay thất bại trong kinh doanh chỉ là trong nháy mắt.

Anh Văn