“Đũa thần” AI và khát vọng bứt phá

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 08:33 - Chia sẻ
Trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence) được các chuyên gia đánh giá như chiếc đũa thần để hiện thực hóa giấc mơ phồn vinh của dân tộc, là cỗ xe chiến mã giúp Việt Nam bứt phá trong cuộc đua kinh thế với các nước đang phát triển. Tuy nhiên để hiện thực hóa giấc mơ, điều đầu tiên mà Việt Nam cần làm là “thức giấc” và học cách làm chủ, vận hành, sử dụng công cụ đó đúng cách, nhuần nhuyễn và thật hợp lý.

AI - Sự ảo hóa diệu kỳ

AI có thể vẫn là điều xa lạ, mới mẻ và khó hiểu với nhiều người dùng. Nhưng thực tế công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực, sản phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày, ví dụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, ứng dụng Siri (một “cô trợ lý ảo” được Apple tích hợp sẵn trên các thiết bị của mình giúp người dùng có thể điều khiển thiết bị thông qua giọng nói)… AI không phải là sự ảo hóa đơn thuần, mà nó tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và đang làm thay đổi thế giới. Theo các chuyên gia, AI có thể gia tăng lợi nhuận kinh tế thêm khoảng 13 nghìn tỷ USD (2030), đóng góp vào 1,2% GDP toàn cầu một năm. Bằng việc ứng dụng AI, dòng tiền chảy vào các công ty triển khai AI sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Những công ty còn lại có thể mất 20% doanh thu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Năm 2019,. Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi việc bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ ưu tiên chính sách cho đầu tư vào vốn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng CMCN 4.0. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đặt chương trình nghị sự ưu tiên trong những năm tới dành cho cải cách giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng tối thiểu và phù hợp thời đại CMCN 4.0.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH - CN) Bùi Thế Duy cho rằng, AI là một công nghệ “lõi”, là “năng lượng nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia, có tác động mạnh, mang tính cách mạng và đột phá đến sự phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và mọi mặt đời sống con người. Hơn nữa, AI tạo ra giá trị gia tăng trong các sản phẩm dựa trên hàm lượng trí tuệ trong mọi hoạt động. Công nghệ AI tạo ra những cơ hội cho các quốc gia, nền kinh tế, các ngành và các tập đoàn có độ sáng tạo cao.

AI là cuộc đua của các quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Đây là cơ hội hiếm hoi để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc. Việt Nam có đủ năng lực cũng như khát vọng để bứt phá vươn lên, đưa dân tộc vào vị thế mới. Nếu Việt Nam lên chậm chuyến tàu này thì giá phải trả là rất lớn, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhận định. Lý giải việc Việt Nam có cơ hội để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, ông Trương Gia Bình cho rằng: Hiện nay trên thế giới có khoảng 5.000 chuyên gia AI, số chuyên gia hàng đầu về AI Việt Nam chiếm khoảng 8%. Việt Nam có sẵn đội ngũ kỹ sư công nghệ hùng hậu, chất lượng cao với giá thành thuê thấp… Mặt khác, đây cũng là thời điểm rất thuận lợi để thực hiện chiến lược phát triển AI.

Tuy nhiên, Giám đốc Chính sách Google châu Á - Thái Bình Dương Yam Ki Chan cảnh báo, chúng ta không thể dùng AI để nhảy cóc qua những bước phát triển cơ bản, nền tảng. Việt Nam có lợi thế nguồn nội lực nền tảng dồi dào. Thời gian tới nếu tận dụng được các yếu tố này sẽ tạo ra bước nhảy vọt kỳ diệu cho Việt Nam.

Hiện thực hóa “giấc mộng phồn vinh”

Để không bỏ lỡ chuyến tàu CMCN 4.0 và tụt lại phía sau, cũng như hiện thực hoá khát vọng dân tộc phồn vinh, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hành trang cho “cuộc đua tốc hành”. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự báo xu hướng số hóa, sự phát triển của AI và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với chiến lược số hóa và phát triển AI tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH - CN Bùi Thế Duy cho rằng, Việt Nam cần phải xác định rõ bối cảnh, mục tiêu và các biện pháp hướng tới mục tiêu trong chiến lược quốc gia về AI. Theo đó, cần xác định đúng quy mô thị trường AI Việt Nam hiện thời và theo kỳ vọng chiến lược của một quốc gia xếp hạng 29 vào năm 2030, xếp hạng 20 vào năm 2050 tính theo GDP trên thế giới. Ngoài ra, cần nhận thức chính xác các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển công nghệ AI.

Thực tế, việc số hóa và xu thế áp dụng AI không những sẽ tạo ra các mô hình, môi trường kinh doanh mới, mà cũng làm thay đổi cách thức cạnh tranh, thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Việc áp dụng AI sẽ là một thách thức lớn, làm tăng khoảng cách giữa các quốc gia, các công ty và con người, khoảng cách hiệu suất giữa các quốc gia có thể bị nới rộng thêm bởi AI. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng cuộc CMCN 4.0 và sự ảo hóa của AI để trở thành “con hổ lớn” của châu Á.

Tuy nhiên, công nghệ AI mặc dù ưu việt nhưng cũng không thể phát triển nếu chính sách kìm chân. Giám đốc điều hành Dự án PowerSell (Công ty Datamark) Bùi Hải Nam chia sẻ, trong quá trình 8 năm khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất là vấn đề chính sách và môi trường kinh doanh. Rõ ràng, để phát huy hết tiềm năng, AI cũng cần có cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý, hệ sinh thái phù hợp. Do đó, hiện nay Việt Nam phải phát triển các yếu tố nền tảng là đổi mới hạ tầng viễn thông, triển khai thu thập và kết nối dữ liệu. Khai thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logictics... Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần khai thông “điểm nghẽn” về thủ tục hành chính, hành lang pháp lý để mô hình kinh tế chia sẻ, Fintech… và startup rộng cửa phát triển. Cần thúc đẩy số hóa toàn bộ xã hội, kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tạo dữ liệu lớn cho sự phát triển AI.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định, năm 2018 Việt Nam đã có những tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thủ tục hành chính đang là rào cản sự phát triển, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách và có thêm các chính sách mở cho hệ sinh thái khởi nghiệp (Startup), đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đầu tư cho AI, Fintech… Ngành giáo dục cũng cần đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình mới.

Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều tập đoàn công nghệ lớn, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Phạm Thế Trường chia sẻ: AI là khẩu pháo lớn và phải biết vận hành một cách hiệu quả. Công nghệ không phải vấn đề, nhưng để thực thi thành công mục tiêu đề ra, Việt Nam cần hành lang pháp lý cụ thể cho AI phát triển. Đặc biệt, nguồn nhân lực AI tài năng là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho sự thành công mục tiêu phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và AI Việt Nam. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tái đào tạo và đào tạo mới cho lao động kỹ năng, khả năng làm chủ công nghệ mới. 

Đức Hiệp