Huyện Mai Châu, Hòa Bình

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

- Thứ Hai, 25/03/2019, 07:32 - Chia sẻ
Với vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng Tây Bắc và những nét văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc anh em trên địa bàn đã đưa Mai Châu trở thành “địa chỉ đỏ” du lịch của khu vực phía Bắc. Để phát huy tiềm năng của ngành công nghiệp không khói, địa phương đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; cùng với đó là tăng cường quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư… hướng đến năm 2020, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Làm giàu nhờ du lịch

Thời gian tới, huyện sẽ tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch Quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 15-CTr/TU của Tỉnh Ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các mục tiêu về du lịch trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Khóa XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phấn đấu đến năm 2020 trở thành điểm du lịch Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Phạm Văn Hoàn

Nếu như trước kia, du lịch còn rất mới mẻ với người dân Mai Châu thì nay đã trở thành nguồn thu nhập khá của nhiều hộ gia đình. Ngành công nghiệp không khói đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức làm du lịch của người dân, phát huy giá trị các sản phẩm du lịch, từ đó cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đến nay, thu nhập bình quân của toàn huyện đã đạt trên 27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 20%...

Bản Lác, xã Chiềng Châu là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Thái, từ chỗ chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và dệt thổ cẩm, người dân bản Lác đã biết làm giàu từ du lịch. Việc phát triển mô hình homestay đã khai thác hiệu quả giá trị những mặt hàng nông sản và nét văn hóa cổ truyền của đồng bào người Thái. Đến nay, toàn bản đã có hơn 60 hộ tham gia vào chuỗi phát triển du lịch, thu nhập bình quân đạt gần 23 triệu đồng/người/năm. Mặc dù có ruộng và nghề dệt thổ cẩm nhưng hàng chục năm nay, nguồn thu nhập chính của gia đình anh Lò Văn Nhum lại là đón khách du lịch đến nghỉ dưỡng tại gia đình. Nhờ tích cực quảng bá hình ảnh, đổi mới tư duy làm du lịch mà 4 nhà nghỉ của gia đình anh mỗi năm đón hàng trăm lượt khách ghé qua, cho thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng/năm.


Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Mai Châu đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách
Ảnh: Trần Tâm

Cũng tập trung vào phát triển du lịch từ năm 2000, đến nay, gia đình anh Hà Văn Lượng (bản Bước, xã Xăm Khòe) đã xây dựng được 2 sàn nhà đủ chỗ cho gần 80 khách đến nghỉ ngơi. Theo anh Lượng, vào những mùa cao điểm của du lịch, nhất là các dịp lễ, Tết thì giá thuê 1 sàn dao động khoảng 500.000 - 800.000 đồng/ngày, đêm dành cho khoảng 30 - 40 người, do đó, từ công việc này mỗi tháng gia đình anh thu về hơn 20 triệu đồng. Chính nhờ nguồn thu ổn định từ du lịch, cuộc sống gia đình anh đã khấm khá và sung túc hơn. Đặc biệt, năm 2015, anh đã sắm được ô tô. Không riêng anh Nhum, anh Lượng, mà nhiều hộ gia đình khác ở các xã Nà Phòn, xóm Hịch (xã Mai Hịch), bản Pong Coọng (thị trấn Mai Châu)… nhờ tham gia vào chuỗi du lịch đã vươn lên thoát nghèo, có hộ có mức thu nhập khá từ những nghề dịch vụ đi theo như: Chụp ảnh, chạy xe điện, bán hàng lưu niệm…

Từ phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã đem đến cho nhiều hộ dân mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cũng chính nguồn thu nhập ổn định đó mà nhiều nhà nghỉ, khách sạn đã được sửa sang và xây mới theo hướng khang trang, hiện đại. Đến nay, toàn huyện đã có 138 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó, có 9 khách sạn, 26 nhà nghỉ và 103 nhà nghỉ cộng đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hoàn, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM, huyện đã ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, đầu tư mặt bằng làm nhà, làm đường giao thông, cấp điện, nước sinh hoạt về từng hộ, tôn tạo cảnh quan tại các xã trọng điểm về du lịch để phục vụ cho việc phát triển du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mang đặc trưng văn hóa các dân tộc huyện Mai Châu;...

“Nhờ  xây dựng, phát triển hiệu quả loại hình du lịch cộng đồng đã giúp Mai Châu trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của tỉnh, tạo sức hút đối với du khách. Vì vậy, năm 2018, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 107 tỷ đồng. Đồng thời, du lịch cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang dịch vụ, giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên khá giả bằng việc phát huy bản sắc văn hóa của mình”, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch

Có thể thấy, hiệu quả du lịch mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Mai Châu khá tích cực. Năm 2018, toàn huyện đã đón trên 3.000 lượt khách du lịch, trong đó có hơn 1.300 lượt khách quốc tế, song, kết quả đó chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hoàn, bên cạnh những điều kiện thuận lợi cũng còn không ít khó khăn, thách thức để phát triển du lịch. Bởi, đối với huyện miền núi như Mai Châu thì số lượng lao động du lịch không thiếu nhưng lao động có trình độ chưa nhiều; công tác quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu phí lưu trú và các dịch vụ phục vụ du lịch của các hộ kinh doanh du lịch vẫn diễn ra tại một số điểm du lịch cộng đồng và còn thiếu các khu vui chơi phục vụ du khách…

Do vậy, cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư, địa phương đã và đang chú trọng khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, huyện đã cử cán bộ tham gia lớp tập huấn phát triển du lịch trên hồ Hòa Bình; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng, công tác bảo vệ môi trường cho các hộ kinh doanh du lịch khu vực hồ Hòa Bình và lớp bồi dưỡng phát triển sản phẩm du lịch trên hồ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đặc biệt, 100% học viên đã tham gia và hoàn thành chương trình và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định… “Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, huyện sẽ sát sao hơn nữa trong việc nâng cao ý thức làm du lịch, phát huy nội lực, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm môi trường, an ninh trật tự, tăng cường hoạt động văn hóa truyền thông để phát triển du lịch”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hoàn khẳng định.

TRẦN TÂM