Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Dự phòng sớm, hiệu quả cao

- Thứ Bảy, 06/07/2019, 07:34 - Chia sẻ
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 6.000 phụ nữ nhiễm HIV mang thai và với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 35%. Song, nếu phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng, tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 5%. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi năm chúng ta có thể cứu trên 1.600 trẻ em không bị lây truyền HIV từ mẹ nếu được dự phòng sớm.

Nhiều thách thức trong dự phòng

Thống kê của Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), năm 2016 có 281 sản phụ nhiễm HIV sinh con tại đây, trong đó 4 trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Năm 2017, Bệnh viện tiếp nhận 280 sản phụ nhiễm HIV và có 5 ca trẻ sinh ra nhiễm HIV. Năm 2018, trong 300 trường hợp sản phụ nhiễm HIV sinh con tại đây có 3 trẻ dương tính với virus này. Với những trẻ mới sinh ra đã nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sẽ được các bệnh viện sản chuyển gửi đến Bệnh viện Nhi đồng để trẻ được tiếp tục điều trị.

Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Trương Hữu Khanh cho biết, toàn bộ trẻ em nhiễm HIV đang điều trị tại đây đều lây truyền từ mẹ. Trước khi chương trình dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con được đẩy mạnh, số lượng trẻ nhiễm HIV đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 khá nhiều, trung bình từ 450 - 500 trẻ, có thời điểm lên đến gần 1.000 trẻ.

Với sự phát triển của mạng lưới phòng khám ngoại trú, những năm gần đây, ý thức của thai phụ nhiễm HIV đã được nâng lên và họ đã tham gia dự phòng lây truyền từ mẹ sang con khá đầy đủ. Tuy nhiên, theo Trưởng khoa Phụ nội - Nội tiết, kiêm phụ trách Chương trình tham vấn phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con, Bệnh viện Hùng Vương Đặng Ngọc Yến Dung, một số thai phụ vì giấu bệnh, nên không tham gia chương trình dự phòng lây truyền này.

Chưa kể, số phụ nữ có nguy cơ cao đồng ý làm xét nghiệm HIV thấp và chỉ đồng ý làm xét nghiệm khi vào phòng sinh đẻ. Do đó, đa số phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai nên rất khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Hậu quả là một số trẻ vừa chào đời đã mang căn bệnh thế kỷ.

Phó Trưởng phòng điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho biết, hiện có xu hướng gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nên việc kiểm soát, tư vấn và xét nghiệm cho đối tượng này còn khó khăn, dẫn tới công tác phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con gặp nhiều thách thức.


Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con Nguồn: ITN

Cần thực hiện dự phòng sớm

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân nhiễm HIV cần cân nhắc vấn đề có nên sinh con hay không và nếu muốn sinh con cần đến bác sĩ để được tư vấn đầy đủ, tuân thủ tốt điều trị để tăng sức đề kháng và đạt tải lượng virus ở mức thấp nhất, giảm khả năng lây truyền sang con. Riêng đối với phụ nữ mang thai, ngay trong lần khám thai đầu tiên cần xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B để dự phòng ngay khi dương tính với một trong 3 bệnh này, bởi càng dự phòng sớm, nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con càng thấp.

Theo bác sĩ Đặng Ngọc Yến Dung, trước đây vấn đề dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được khuyến khích bắt đầu từ tuần thứ 14. Tuy nhiên, những năm gần đây, các bằng chứng khoa học cho thấy, thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi nên các thai phụ nhiễm HIV cần uống thuốc dự phòng lây truyền càng sớm càng tốt.

Khẳng định việc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho bệnh nhân nhiễm HIV mang thai cũng bình thường như những bệnh nhân điều trị ARV khác, Trưởng khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm y tế quận 11, TP Hồ Chí Minh Kim Chi Na cho biết, với những bệnh nhân mang thai, các bác sĩ sẽ tăng cường xét nghiệm tải lượng virus để có sự điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp, nhằm giảm khả năng lây truyền cho con.

Theo đó, khi tải lượng virus HIV của bệnh nhân mang thai vượt ngưỡng 200 bản sao/ml máu, bác sĩ sẽ đổi phác đồ ngay lập tức bởi tải lượng virus càng cao thì nguy cơ mẹ lây truyền cho con càng lớn. Tuy nhiên, dù thai phụ đạt ở mức tải lượng virus dưới ngưỡng, nguy cơ lây truyền cho con vẫn có khả năng ở mức 0,25 - 0,26%.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh Phùng Bình Văn cũng cho hay, thực tế số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ, chiếm khoảng 20%, trong khi trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ chiếm 5 - 10%. Với những trường hợp phát hiện muộn lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Mặt khác, dù áp dụng điều trị dự phòng ở những trường hợp này thì hiệu quả cũng không cao.

Hiểu Lam