Du lịch nông nghiệp hút khách

- Chủ Nhật, 04/08/2019, 08:11 - Chia sẻ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Theo đánh giá của Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong, du lịch nông nghiệp ngày càng có sức hút với khách quốc tế và hứa hẹn phát triển trong tương lai.

Nhiều mô hình hiệu quả

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Vũ Nam cho biết, “du lịch nông nghiệp, nông thôn” được nhắc đến nhiều trong thực tiễn phát triển du lịch nước ta những năm gần đây. Tất cả những gì liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể tạo sự hấp dẫn hoặc trải nghiệm cho khách du lịch đều được coi là tài nguyên du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp nếu tận dụng được những lợi thế sẵn có sẽ  tạo thành những điểm đến hấp dẫn thu hút du khách, vừa thúc đẩy tăng chi tiêu của khách du lịch thông qua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Hiện nay, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã khai thác các yếu tố từ sản xuất nông nghiệp để phát triển du lịch và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm như mô hình làng quê Yên Ðức (Quảng Ninh), tham quan nông trường Mộc Châu (Sơn La), tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao Tây Bắc, trải nghiệm vườn rau thủy canh, trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), vườn điều ở Bình Phước, trang trại nho Ninh Thuận; du lịch miệt vườn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long… 

Đặc biệt, mô hình du lịch làng rau Trà Quế (TP Hội An, Quảng Nam), được triển khai đầu tiên vào năm 2014, đã thành công ngoài mong đợi. Từ thành công này, ở Hội An đã tiếp tục có thêm nhiều dự án làng quê, làng nghề gắn liền với phát triển du lịch nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, giảm được áp lực lên phố cổ và chia sẻ nguồn lợi từ du lịch cho người dân. Mỗi năm du lịch nông nghiệp của Quảng Nam đón trên 300 nghìn lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn. Một số tour du lịch đã trở thành thương hiệu riêng có của du lịch Quảng Nam như một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế; du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh…

Theo báo cáo từ một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp nông thôn ngày một tăng. Chi tiêu, thu nhập từ hoạt động du lịch nông nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế địa phương.


Làng rau Trà Quế, Hội An hấp dẫn nhiều du khách

Nhiều tiềm năng nhưng thiếu chuyên nghiệp 

Từ thực tiễn, hiệu quả sinh động của các địa phương, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Đề án không chỉ đánh giá thực trạng của du lịch nông nghiệp, nông thôn mà còn đề ra những giải pháp, đề xuất, những cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới. 

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong cho rằng, du lịch nông nghiệp ngày càng có sức hút đối với du khách quốc tế và đây là loại hình du lịch hứa hẹn phát triển trong tương lai. Ví dụ ở Quảng Bình, ngoài những trải nghiệm du lịch sinh thái mạo hiểm, khám phá “Vương quốc hang động” Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách có thể tìm về chốn bình yên của các làng quê, cùng tham gia các hoạt động sản xuất với người nông dân sẽ tạo ra sự cân bằng, thư thái cả về thể chất lẫn tâm hồn. “Tiềm năng du lịch nông nghiệp của Quảng Bình rất lớn bởi có đến 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, nhất là có trên 50 vạn người dân sống ở vùng đệm của Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng cùng với truyền thống văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp. Đó chính là lý do để Quảng Bình hướng đến phát triển du lịch nông nghiệp bền vững”, ông Phong cho hay.

Là nước nông nghiệp với 70% dân cư sống ở nông thôn, nước ta có điều kiện rất thuận lợi để tận dụng tốt giá trị nông nghiệp vào phát triển du lịch. Du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam (cùng với du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch đô thị). Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, các hoạt động du lịch nông nghiệp hầu hết vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa được chú trọng về thương hiệu. Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu. Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Đa số các sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, nhất là đối với du khách quốc tế. Đây cũng chính là những vấn đề mấu chốt cần khắc phục để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững.

Hạnh Nhung