Cần nhất quán trong các quy định

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

- Thứ Tư, 09/10/2019, 08:02 - Chia sẻ
Nghiên cứu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trình QH tại Kỳ họp thứ Tám tới cùng Tờ trình số 442/TTr-UBTVQH14, ngày 26.9.2019, có một số vấn đề về nội dung điều, khoản luật nên quy định nhất quán trong luật.

1- Khoản 2, Điều 44, Luật Tổ chức QH hiện hành quy định, “UBTVQH gồm Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH và các Ủy viên UBTVQH do Chủ tịch QH làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch QH làm Phó Chủ tịch”. Nếu để quy định này, người đọc sẽ hiểu Chủ tịch QH là Chủ tịch của UBTVQH và các Phó Chủ tịch QH là các Phó Chủ tịch của UBTVQH. Trên thực tế, các chức danh Chủ tịch UBTVQH và Phó Chủ tịch UBTVQH đã được thay thế bằng các chức danh Chủ tịch QH và Phó Chủ tịch QH từ năm 1981. Do đó, đề nghị bỏ hẳn đoạn, “do Chủ tịch QH làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch QH làm Phó Chủ tịch”.

2 - Khoản 2, Điều 53 và ở một số điều, khoản khác: Việc phân loại Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Ủy viên các Ủy ban thành 3 loại, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách và Ủy viên khác đã gây ra nhiều rắc rối trong thực thi Luật. Cùng là Ủy viên làm việc chuyên trách ở Hội đồng hoặc Ủy ban nhưng lại chia ra Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách. Do không có điều nào giải thích từ ngữ và không làm rõ nội hàm chức danh nên không phân biệt được sự khác nhau về công việc giữa Ủy viên Thường trực và Ủy viên không là Thường trực, chỉ khác nhau về mức lương (Ủy viên Thường trực thường mức lương cao hơn) và là thành viên của Thường trực Hội đồng hoặc Thường trực Ủy ban. Bởi vậy dự thảo Luật ngoài các chức danh Chủ tịch, Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm ở Hội đồng Dân tộc, ở Ủy ban thì đề nghị chỉ nên quy định 2 loại Ủy viên: Ủy viên chuyên trách và Ủy viên không chuyên trách.

3 - Khoản 4, Điều 60 quy định Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH được mời tham dự các phiên họp UBTVQH. Nghe ra có vẻ vô lý vì, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm Ủy ban của QH hiện là thành viên UBTVQH thì tham dự phiên họp của UBTVQH là trách nhiệm theo đúng quy định tại Điều 45 Luật này chứ sao lại phải được mời mới dự? Thực ra đây là cả một vấn đề lịch sử khá dài, xin được nêu lại để quy định cho đúng: Ủy viên UBTVQH và Chủ nhiệm Ủy ban là 2 chức danh khác nhau và phạm vi công việc cũng khác nhau (Ủy viên UBTVQH làm nhiệm vụ được Hiến pháp và Luật Tổ chức QH giao, Chủ nhiệm Ủy ban làm nhiệm vụ do Luật Tổ chức QH giao). Mức lương của Ủy viên UBTVQH cao hơn mức lương của Chủ nhiệm Ủy ban (mức lương của Chủ nhiệm Ủy ban bằng mức lương của Bộ trưởng). Hiện nay mức lương của Ủy viên UBTVQH bậc 1 là 9,8; bậc 2 là 10,4; còn mức lương của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban cũng là mức lương của Bộ trưởng, bậc 1 là 9,7; bậc 2 là 10,3.

Ở nhiều khóa trước, số thành viên UBTVQH nhiều hơn số Chủ nhiệm các Ủy ban. Ví dụ:  Khóa II (1960-1964), UBTVQH có 23 thành viên chính thức và 3 thành viên dự khuyết, nhưng QH chỉ có 5 Ủy ban; Chủ nhiệm của 5 Ủy ban đều do Ủy viên UBTVQH kiêm nhiệm. Khóa III (1964-1971) cũng có 23 thành viên UBTVQH chính thức và 3 thành viên dự khuyết, nhưng chỉ có 2 Chủ nhiệm kiêm nhiệm, còn 3 Chủ nhiệm khác chỉ làm việc trong phạm vi Ủy ban mình, khi cần thiết thì được mời dự phiên họp UBTVQH; Khóa IV (1971-1975) cũng tương tự như Khóa III. Khóa V (1975-1976), UBTVQH có 19 thành viên chính thức và 3 thành viên dự khuyết, QH có 6 Ủy ban, có 3 Chủ nhiệm Ủy ban do Ủy viên UBTVQH kiêm nhiệm, còn 3 Chủ nhiệm khác chỉ làm việc trong phạm vi Ủy ban mình và được mời dự phiên họp UBTVQH khi cần thiết.

Cho đến Khóa IX (1992-1997), UBTVQH chỉ có 13 thành viên, số Ủy ban đã tăng lên thành 8. Khóa này tất cả các Chủ nhiệm Ủy ban, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đều do thành viên UBTVQH kiêm nhiệm, và từ đó đến nay như đã thành thông lệ. Đây là một sự kiện đi đầu và rất sớm trong tiết kiệm nhân lực cấp cao, giảm biên chế của QH. Nếu tới đây vẫn tiếp tục duy trì mô hình tổ chức này thì đề nghị phải chính thức hóa trong Luật Tổ chức QH với quy định: Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH do thành viên UBTVQH kiêm nhiệm. Hoặc là, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH đồng thời là thành viên UBTVQH. Và ở Điều 60 của Luật này sẽ bỏ quy định Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm Ủy ban của QH được mời dự phiên họp của UBTVQH.

4 - Về việc điều chuyển Đại biểu QH: Nên cân nhắc xem có nên chính thức hóa bằng luật như hiện hành một việc rất cá biệt để tạo ra tiền lệ “phổ biến” này không. Ổn định tổ chức, ổn định đại biểu cũng là một trong các yếu tố để hoạt động có hiệu quả. Một số khóa gần đây, ở một số đoàn, số đại biểu đã ít, lại do điều chuyển tới mức đoàn chỉ còn một, hai đại biểu của địa phương. Đại biểu QH song song với đại diện cho cử tri cả nước còn là đại diện cho cử tri nơi bầu cử ra mình, nếu điều đi nơi khác thì nơi bầu ra đại biểu đó sẽ khuyết người đại diện và nơi mới đến công tác, cử tri ở đó có chấp nhận tư cách đại diện không (theo Điều 27 Luật hiện hành, Đại biểu QH tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử)... liệu sẽ thực hiện như thế nào). Những việc như thế này là những vấn đề pháp lý, QH là cơ quan lập hiến, lập pháp phải hết sức thận trọng. Vì vậy xin đề nghị chỉ nên xử lý cá biệt khi bất đắc dĩ có trường hợp xảy ra, không nên đưa thành một nội dung của luật. Trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức của Tòa, Viện đều không có quy định này.

5 - Đoàn ĐBQH và cơ quan phục vụ Đoàn ĐBQH đều thuộc phạm vi khu vực nhà nước; kinh phí cho tổ chức và hoạt động đều từ ngân sách nhà nước. Trong khi chưa xác định rõ địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH, đồng thời cũng đang thí điểm mô hình Văn phòng giúp việc cho nó mà “đổi mới” ngay quy định  phân bổ kinh phí hoạt động là một việc rất khó khăn, như “đánh đố”. Nên chăng ít nhất là phải khẳng định được mô hình cơ quan giúp việc Đoàn ĐBQH rồi mới thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách cho Đoàn ĐBQH và cơ quan giúp việc cho nó. Nhân nói tới cơ quan giúp việc cho Đoàn ĐBQH, cũng cần xem xét sâu hơn cơ cấu số lượng đại biểu trong mỗi đoàn. Theo số liệu từ đầu khóa, trong 63 đoàn chia theo quy mô số lượng thì: có 52 đoàn, mỗi đoàn dưới 10 đại biểu (1 đoàn 5 đại biểu; 28 đoàn mỗi đoàn có 6 đại biểu; 12 đoàn có 7 đại biểu; 6 đoàn có 8 đại biểu; 5 đoàn có 9 đại biểu). Có 11 đoàn có 10 đại biểu trở lên. Trong 63 đoàn thì đoàn ít đại biểu nhất chỉ có 5; đoàn nhiều đại biểu nhất là đoàn thành phố Hồ Chí Minh 30 đại biểu, sau đó là đoàn Hà Nội 29 đại biểu. Cũng nên suy nghĩ xem đoàn có 5 đại biểu (trong đó có 2 đại biểu làm việc ở trung ương) và đoàn có tới 30 đại biểu thì cơ quan giúp việc giống khác nhau gì không. Tổng quát hơn, những đoàn dưới 10 đại biểu và những đoàn trên 10 đại biểu, khối lượng công việc và số lượng cán bộ giúp việc có gì giống khác nhau không. Từ đó mà hình thành bộ máy cho tương thích để phát huy hiệu lực, hoạt động có hiệu quả.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm VPQH