Sơn La

Đột phá trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng

- Thứ Hai, 10/09/2018, 07:43 - Chia sẻ
Tuy sản xuất nông lâm nghiệp của Sơn La còn chịu nhiều ảnh hưởng của diễn biến bất lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu phức tạp, hạ tầng giao thông kém phát triển nhưng Sơn La đã phát huy được các lợi thế về quỹ đất nông nghiệp, nguồn nước, khí hậu thuận lợi. Từ đó lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đột phá vào phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ dựa trên nền tảng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, gắn với thương hiệu và thị trường tiêu thụ, kết hợp nông nghiệp và du lịch.

Nhiều hộ dân tha thiết muốn tham gia hợp tác xã

Sau 180km di chuyển từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 đã được cải tạo, nâng cấp, Mộc Châu là điểm dừng chân đầu tiên của các ĐBQH khi tới Sơn La công tác. Chúng tôi đến Mộc Châu khi Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Sơn La với chủ đề “Sơn La ngày mới” vừa mới kết thúc nhưng các ĐBQH vẫn kịp tham quan Hội chợ Nông sản an toàn và xuất khẩu năm 2018 tại thị trấn Mộc Châu, là nơi các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nông nghiệp của tỉnh trưng bày và giới thiệu những mặt hàng nông sản chủ lực, đạt các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tham quan một số gian hàng ở hội chợ

Tại Hội chợ, chúng tôi thật sự ấn tượng khi thấy nhiều gian hàng của các HTX trưng bày sản phẩm của mình như HTX Nấm thảo nguyên Mộc Châu, HTX Nông nghiệp Suối Bàng và HTX Nông nghiệp Tiến Thành, HTX Nông trại hữu cơ huyện Vân Hồ với các sản phẩm cam, nhãn, bưởi, hồng, bơ theo chuẩn VietGap; HTX Rau an toàn tự nhiên, HTX Hoa quả Thành Đạt với nhãn, xoài, na, hồng, bơ, táo Mèo; HTX Nông nghiệp Tiến Thành, HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập… Các ĐBQH nhận xét nhiều loại trái cây ở đây như bơ, nhãn, na, ổi, chanh leo trông còn bắt mắt và thơm ngon hơn ở những vùng sản xuất truyền thống các lợi trái cây này ở các vùng, miền khác trong nước. Với 384 HTX nông nghiệp, trong đó chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã có 86 HTX thành lập mới, có lẽ Sơn La là một trong ít tỉnh miền núi phía Bắc có phong trào hợp tác xã khá phát triển, phù hợp với nhu cầu tự thân của các hộ sản xuất nông nghiệp trong tổ chức cung ứng dịch vụ sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, bảo quản, chế biến cũng như đăng ký thương hiệu, xuất xứ hàng hóa và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa. Chẳng thế mà chị Nguyễn Thị Dung, Phó giám đốc HTX Ngọc Hoàng ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn chuyên canh thanh long, nhãn, xoài, bưởi, táo cho biết, nhờ có HTX mà 52 xã viên tiêu thụ được các nông sản của mình với giá cao gấp đôi giá bán ra thị trường và hiện nay nhiều hộ nông dân đang tha thiết muốn tham gia HTX.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, với trên 48 nghìn hecta cây ăn quả và hơn 28 nghìn hecta cây trồng là sản phẩm của công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2018 của tỉnh đạt 100 triệu USD, dự kiến cả năm đạt khoảng 115 triệu USD, tăng khoảng 2,55 lần so với năm 2015, trong đó có trên 11 nghìn tấn trái cây xuất đi 11 thị trường lớn, xuất khẩu chính ngạch tăng 14 lần so với năm 2017. Sơn La mong muốn được nâng hạn mức giao đất trồng cây hàng năm cho các hộ vùng núi để tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa tập trung để tạo nguồn hàng ổn định, có chất lượng cao dành cho chế biến và xuất khẩu. Bởi vì, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và thị trường tiêu thụ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến xuất khẩu để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa đã bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ với 6 nhà máy chế biến sâu nông sản đã được xây dựng. Đó là các nhà máy chế biến cà phê, nước chanh leo cô đặc, tinh bột sắn, rau củ quả và thảo dược xuất khẩu, đồ uống, cao su, chưa kể tới các nhà máy chế biến sữa tươi và các sản phẩm từ sữa, mía đường, chè, ván tre công nghiệp… đã được đầu tư trước đây.

Lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều sâu

Điều dễ cảm nhận nhất là thị trấn Mộc Châu đã thay đổi đáng kể với bộ mặt hiện đại hơn, khang trang hơn trong nỗ lực trở thành khu du lịch quốc gia Mộc Châu với trọng tâm là du lịch nông nghiệp. Các hệ thống cửa hàng, nhà hàng, khách sạn sầm uất hơn chứng tỏ đời sống kinh tế sinh động nơi đây. Mộc Châu có đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu của nước ta, từ thảo nguyên mênh mông đến các đồi chè xanh biếc, suối nước nóng, rừng rậm nhiệt đới, rừng nguyên sinh. Phong cảnh núi rừng nguyên sơ là thiên đường của du lịch sinh thái, du lịch thể thao và khám phá, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng.

Bí thư Huyện ủy Mộc Châu Hà Trung Chiến cho chúng tôi biết, năm 2017, Mộc Châu đón trên 1,2 triệu khách du lịch, trong đó có trên 6 vạn khách du lịch quốc tế, chủ yếu đến từ Australia và châu Âu. Vẻ đẹp thiên nhiên của cao nguyên Mộc Châu và nền văn hóa đặc sắc đã hoàn toàn thuyết phục những du khách khó tính nhất. Du khách khó có thể rời mắt khỏi những đồi chè xanh mướt có thể nói là đẹp nhất thế giới ở xã Tân Lập, thung lũng hoa mận, hoa đào rộng hàng trăm héc-ta, rừng thông mộng mơ ở xã Đông Sang... Homestay Mộc Châu với phong cách nhà sàn gỗ của đồng bào Thái mộc mạc, xung quanh là bản làng, cây trái xum xuê, mang lại trải nghiệm ngủ nhà sàn cộng đồng thú vị. Đây cũng là nơi du khách giao lưu lửa trại, văn nghệ với đồng bào Thái trong làn điệu múa xòe, múa sạp, uống rượu cần. 

Tuy sản xuất nông lâm nghiệp của Sơn La còn chịu nhiều ảnh hưởng của diễn biến bất lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu phức tạp, còn có tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, hạ tầng giao thông kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhưng Sơn La đã phát huy được các lợi thế về quỹ đất nông nghiệp, nguồn nước phong phú từ sông Đà, sông Mã, khí hậu thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, theo hướng đột phá vào phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ dựa trên nền tảng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, gắn với thương hiệu và thị trường tiêu thụ, kết hợp nông nghiệp và du lịch. Đó là con đường phát triển bền vững của kinh tế nông lâm nghiệp Sơn La, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân 3 năm đầu kỳ kế hoạch đạt bình quân 8,62%/năm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 31,9% năm 2016 xuống còn khoảng 25,44% năm 2018.   
Lá đu đủ luộc ăn với gừng và quả mắc cạnh chấm chẩm chéo, một loại gia vị đặc trưng của đồng bào Thái làm từ muối trộn với mùi tàu, rau húng, ớt nướng, tỏi, hạt mắc khén, có vị hơi đắng là món ăn lạ nhất mà tôi lần đầu được thưởng thức ở nơi đây, mang lại những cảm xúc khó quên về một nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Bắc.

Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII