Góc nhìn

Động thái tích cực

- Thứ Ba, 18/02/2020, 08:10 - Chia sẻ
Sôi sục chuyện tăng giá nhưng cuối cùng mặt hàng thịt lợn lại “bình thản” đi qua cái Tết Cổ truyền, với nhiều “viễn cảnh” kiểu như bánh chưng nhân cá, nhân thịt gà... Dù điều này không xảy ra, nhưng sau Tết, mặt hàng này vẫn “neo” ở mức khá cao. Người tiêu dùng thì có vẻ như đã quen nên cũng ít, thậm chí không “kêu ca” nữa. Thế nhưng, với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì đây là điều khó có thể chấp nhận.

Bởi vậy, tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020 diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu giảm giá thịt lợn hơi xuống mức dưới 75.000 đồng/kg. Phải bảo vệ thị trường bền vững, tôi khuyến nghị doanh nghiệp giảm giá ngay lập tức. Giá lợn hơi xuất chuồng 75.000 đồng/kg là hợp lý. Nếu doanh nghiệp không chịu giảm giá thì chúng ta có luật. Bộ sẽ rà soát những ưu đãi trước đó mà doanh nghiệp được hưởng để tiến hành thay đổi. Doanh nghiệp nào thực hiện tốt việc giảm giá sẽ được biểu dương. Các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành phải biết bảo vệ thị trường sản xuất bền vững, giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa thì mới bền vững - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết thêm, sau 1 năm bùng phát, gây thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát. Hiện tốc độ tái đàn tăng rất nhanh, các địa phương quy mô hộ nuôi 100 - 200 con có nơi đã tái đàn lần thứ 2. Từ tháng 10.2019 chúng ta đã có chủ trương tái đàn, tốc độ tái đàn nhanh, bài bản, yêu cầu đăng ký để bảo đảm điều kiện. Đến nay, lợn tái đàn đã được xuất bán ra thị trường. Phấn đấu tháng 10 năm nay ngành chăn nuôi lợn sẽ ổn định như thời điểm trước khi có dịch. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng dự báo, bản chất sẽ thay đổi, số hộ chăn nuôi giảm, đàn lợn giảm nhưng sản lượng thịt lại tăng, số hộ nuôi với quy mô lớn nhiều hơn, hộ nuôi nhỏ lẻ ít tham gia. Các doanh nghiệp chăn nuôi, hộ chăn nuôi lớn đều đi theo hướng an toàn sinh học.

Ngay sau khi có yêu cầu này, hai doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực chăn nuôi là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco đã cam kết giảm giá. Động thái này được đánh giá sẽ ảnh hưởng tích cực đến giá thịt lợn trên thị trường. Thế nhưng cũng cần nhắc lại rằng, yêu cầu giảm giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không chỉ đơn thuần là nhằm bảo đảm bình ổn chỉ số giá tiêu dùng theo yêu cầu của Trưởng ban Điều hành giá. Đã từng có thời điểm giá thịt lợn xuống thấp tới mức kỷ lục và nếu như khi đó không có sự chung tay “giải cứu” của xã hội thì chắc chắn cả người chăn nuôi và doanh nghiệp sẽ còn bị thiệt hại nhiều hơn nữa, lao đao hơn nữa.

Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm H5N6 đã xuất hiện tại một số địa phương nên không loại trừ mặt hàng thịt lợn sẽ có “điều kiện” để tăng giá. Do vậy, điều cần thiết là phải cương quyết đưa mặt hàng này về mức giá mà cả người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp đều chấp nhận được và cùng có lợi.

Khánh Ninh