Động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

- Thứ Ba, 03/12/2019, 08:04 - Chia sẻ
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết, đồng lòng của người dân qua nhiều thế hệ, sau gần 70 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc đã có những bước đột phá. Từ một tỉnh thuần nông nay vươn lên tỉnh công nghiệp phát triển, với hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ đóng trên địa bàn. Trong giai đoạn mới, Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành một trong những địa phương giàu có, phồn vinh bậc nhất ở miền Bắc.

Kế thừa và phát huy những thành quả sau 70 năm xây dựng và phát triển, toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc quyết tâm giữ vững đoàn kết, kiên trì đổi mới, sáng tạo, chung sức chung lòng vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan

Đột phá nhờ phát triển công nghiệp

Trải qua 3 lần thay đổi địa giới hành chính, lần thứ nhất vào 12.2.1950, Vĩnh Phúc được thành lập từ việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Năm 1968, Vĩnh Phúc hợp nhất với Phú Thọ trở thành tỉnh Vĩnh Phú. Từ năm 1997, Vĩnh Phúc chính thức được tái lập, tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú. Hiện nay, tỉnh có diện tích tự nhiên gần 1.236km2, dân số trên 1,1 triệu người, với 9 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 7 huyện, 137 xã, phường, thị trấn.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành nhớ lại, cách đây nhiều thập kỷ về trước, Vĩnh Phúc còn là một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế lạc hậu. Tại thời điểm năm 1997, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ vỏn vẹn gần 100 tỷ đồng và phải nhờ vào sự trợ cấp của Trung ương, đời sống nhân dân lúc bấy giờ gặp không ít khó khăn. Sớm nhận thấy những lợi thế như lao động trẻ, vị trí địa lý gần Thủ đô… Đảng bộ và chính quyền Vĩnh Phúc đã nhất quán quan điểm đa dạng hóa sản xuất, nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, du lịch, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển giàu mạnh. Đó là quyết định chính xác, thể hiện tầm nhìn xa của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh.

Đến nay, sau 70 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc đã kêu gọi được các nhà đầu tư lớn đến với địa phương như: Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumitomo… Qua đó, đã giúp nền kinh tế của tỉnh bứt phá mạnh mẽ, hàng chục nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối và có điều tiết cho ngân sách trung ương. Riêng 9 tháng năm 2019, thu ngân sách toàn tỉnh đạt gần 25 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành, nhiều năm nay, Vĩnh Phúc xác định “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách các thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại. Từ đó, tạo điều kiện đón các nhà đầu tư chiến lược và trở thành “cục nam châm” thu hút doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp hậu cần, doanh nghiệp vệ tinh… Do đó, PCI của Vĩnh Phúc luôn nằm trong tốp dẫn đầu.

Khi công nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế, Vĩnh Phúc tiếp tục dồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Nhiều cơ chế, chính sách cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được ban hành như: Nghị quyết số 10-NQ/TU; Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Cụ thể hóa quyết sách đó, Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách miễn thủy lợi phí, đầu tư kiên cố hóa kênh mương, nâng cao kiến thức cho nông dân; xây dựng các khu sản xuất tập trung. Qua đó, giúp cho người dân từng bước tiếp cận được tiến bộ khoa học công nghệ; góp phần gia tăng giá trị sản xuất. Đến nay, Vĩnh Phúc có hàng nghìn trang trại đem lại thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/trang trại. Toàn tỉnh đã có 4 huyện, thành phố và 109/112 xã đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,11%, thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch lên đến 98%...  “Những kết quả trên thể hiện quyết tâm chính trị của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trên lộ trình hiện thực hóa mong muốn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh vào tháng 3.1963 - Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành chia sẻ.


Diện mạo thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc thời kỳ đổi mới

Huy động mọi nguồn lực phát triển bền vững

Vươn mình sau chặng đường dài đầy gian khó, không bằng lòng với những kết quả đạt được, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị cho mình một chiến lược dài hơi, bàn bản để kinh tế - xã hội thực sự phát triển bền vững. Như chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trong nhiều buổi họp là tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế để phát triển; đặc biệt, khai thác hiệu quả “ngành công nghiệp không khói”. Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung vào khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Đầm Vạc, Hồ Đại Lải, hệ thống di tích, các công trình văn hóa tín ngưỡng. Đồng thời, tập trung quyết liệt vào việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp mà trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, tạo môi trường thân thiện và điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang có chủ trương thu hút vào một số ngành như công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghệ cao...; cương quyết từ chối các doanh nghiệp chưa chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tỉnh luôn “trải thảm đỏ”, đồng hành với doanh nghiệp nhưng chỉ chấp nhận những doanh nghiệp có năng lực, có uy tín và trách nhiệm xã hội.

Để đạt được mục tiêu phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh xác định vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng viên; đặc biệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự “diễn biến”, tự “chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, tập trung huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan nhà nước theo hướng chính quyền kiến tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chăm lo, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.

Với sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, cải cách mạnh mẽ trong tư duy và hành động của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tin rằng, Vĩnh Phúc sẽ sớm trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước.

TRỌNG HIẾU