EVFTA và dịch Covid-19

Động lực và áp lực cho nền kinh tế

- Thứ Ba, 18/02/2020, 08:20 - Chia sẻ
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) VŨ TIẾN LỘC, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tạo ra động lực, còn dịch Covid-19 tạo sức ép buộc Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường, cấu trúc lại chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị để tăng tính tự chủ của nền kinh tế.

“Suy cho cùng, chìa khóa để hội nhập thành công bắt nguồn từ nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp nhằm cải thiện năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

EVFTA như “hòn đá tảng”

- EVFTA có ý nghĩa như thế nào với nước ta, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thưa ông?

- EVFTA như “hòn đá tảng” trong chính sách về kinh tế, thương mại, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới xét cả về quy mô thị trường, trình độ công nghệ và tiềm năng tài chính. Liên minh châu Âu (EU) có 508 triệu dân, GDP 18.000 tỷ USD, vì vậy đây là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu có nhiều biến động, các mặt hàng Việt Nam như nông sản, da giày, dệt may… gặp khó khăn về thị trường khi xảy ra dịch Covid-19, việc mở cửa với thị trường EU giúp chúng ta có được cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống.

- Như vậy có thể hiểu EVFTA là “cứu cánh” cho nền kinh tế nước ta lúc này?

- Phải thừa nhận rằng dịch Covid-19 có nguy cơ làm đứt gẫy các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Hiện nay, phần lớn chuỗi cung ứng trong công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa phát triển, nguyên liệu phụ tùng, linh kiện đều nhập từ Trung Quốc, đặc biệt là những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta như dệt may, giày dép, điện tử… Dịch bệnh khiến các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc ngừng hoạt động. Doanh nghiệp trong nước đã dự phòng nguyên liệu nhưng chỉ đủ cho 2 - 3 tháng, nếu tình hình không cải thiện thì chúng ta không có nguyên liệu, phụ tùng sản xuất trong quý tới. Khi đó, doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng đơn hàng của đối tác, sẽ dẫn tới mất hợp đồng và không có việc làm cho người lao động.

EVFTA và dịch Covid-19, một sự kiện tạo ra động lực và một sự kiện tạo sức ép buộc Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường, cấu trúc lại chuỗi cung ứng,  chuỗi giá trị. Chẳng hạn, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhưng có rất nhiều rủi ro như chúng ta đã chứng kiến thời gian qua. Trong bối cảnh thế giới luôn biến động do thời tiết, bệnh dịch, mâu thuẫn thương mại thế giới là chuyện không ai lường trước được thì sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc như hiện nay không bền vững, đòi hỏi Việt Nam phải tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng. Cùng với đó, để đưa hàng sang thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tái cấu trúc để đáp ứng quy tắc xuất xứ, yêu cầu về chất lượng và vệ sinh… Do vậy có thể nói, EVFTA và dịch Covid-19 tuy là 2 sự kiện đối lập nhau nhưng lại có tác động cùng chiều.


EVFTA mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam

Có thách thức, nhưng không quá nghiêm trọng

- Cụ thể, doanh nghiệp phải làm gì để đáp ứng được thị trường EU?

- EVFTA là hiệp định lớn, không thể đòi hỏi doanh nghiệp nắm được toàn bộ nội dung, nhưng trước hết, doanh nghiệp phải hiểu sâu sắc những quy định liên quan đến ngành, lĩnh vực hoạt động của mình. Ví dụ: Mức thuế và lộ trình cắt giảm thuế của những sản phẩm, ngành hàng doanh nghiệp đang kinh doanh ra sao? Muốn tận dụng được ưu đãi thuế quan thì phải đáp ứng những yêu cầu nào về quy tắc xuất xứ? Các tiêu chuẩn kỹ thuật như an toàn thực phẩm và biện pháp phòng vệ thương mại được thực hiện ra sao? Đối tác, bạn hàng ở thị trường EU như thế nào?

Trong kỷ nguyên này, những yêu cầu về phát triển bền vững là nền tảng để tương tác với nền kinh tế thế giới. Phát triển bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội như “giấy thông hành” đưa hàng hóa ra thị trường, vì vậy doanh nghiệp phải tìm hiểu những tiêu chuẩn về phát triển bền vững và tuân thủ. Cùng với đó là xây dựng lại chiến lược, tổ chức lại sản xuất để đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra; đồng thời phải trang bị công nghệ mới, áp dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý, một mặt tập trung vào thị trường có lợi ích cao như EU, mặt khác vẫn cần đa dạng hóa thị trường để có thể “chống đỡ” mỗi khi có biến động.

- Ở chiều ngược lại, với EVFTA, doanh nghiệp EU cũng thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ta ngay trên sân nhà, ông nghĩ sao về điều này?

- Doanh nghiệp Việt phải coi thị trường nội địa là điểm tựa để vươn ra thế giới. Hiện nay, thị trường trong nước rất lớn với 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu tăng lên, nhu cầu tiêu dùng lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước có thuận lợi là am hiểu địa phương. Bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào ngoài những yếu tố liên quan đến chi phí còn liên quan đến văn hóa thẩm thấu trong đó, vì vậy doanh nghiệp có thể đưa giá trị văn hóa vào sản phẩm của mình. Và điểm cốt lõi vẫn là nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ thông qua việc tạo ra sự khác biệt.

Trong thời đại hội nhập sâu rộng hiện nay, với sự hỗ trợ của thương mại điện tử, tôi tin rằng không chỉ doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, đều có thể vươn ra thị trường thế giới. Với EVFTA, thách thức là có nhưng không phải quá nghiêm trọng và tôi tin vào nội lực mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

An Thiện thực hiện