Đồng hành với ngư dân bám biển

- Thứ Năm, 03/10/2019, 07:43 - Chia sẻ
Mặc dù không vượt trội nhưng thủy sản đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của thành phố Đà Nẵng luôn cao hơn trung bình so với cả nước. Nghề cá thành phố đã chuyển từ thô sơ, thủ công sang đánh bắt xa bờ, hiện đại với nhiều con tàu công suất lớn. Hoạt động khai thác gắn với dịch vụ, công nghiệp chế biến, trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển của thành phố.

Nhiều tiềm năng

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện các Nghị quyết Chiến lược biển Việt Nam, nhờ những định hướng hỗ trợ ngư nghiệp và ngư dân nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, nghề cá của Đà Nẵng đã vượt qua rất nhiều khó nhọc, ngư dân Đà Nẵng kiên trì mưu sinh vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vùng biển Đà Nẵng có ngư trường rộng trên 15.000km2, với tổng trữ lượng là 1.136.000 tấn hải sản các loại. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Đà Nẵng, đến tháng 6.2019, thành phố có 1.243 chiếc tàu cá, với tổng công suất là 400.176 CV, trong đó, tàu trên 90 CV là 684 chiếc. So với cùng kỳ năm ngoái lượng tàu có công suất nhỏ đã giảm, tăng các tàu có công suất lớn, đây được xem là chuyển biến tích cực trong lĩnh vực đánh bắt. Sản lượng khai thác hải sản 6 tháng đầu năm đạt 20.724 tấn, đạt 55,3% kế hoạch.

Đối với Đà Nẵng, công nghiệp chế biến thủy sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Song, thành phố đang gặp nhiều khó khăn, phát triển thiếu bền vững do chưa bảo đảm nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến, đồng thời còn nặng về chế biến thô, gia công cho đơn vị xuất khẩu khác, giá trị gia tăng thấp. Yêu cầu về sản lượng của thị trường nói chung và ngành chế biến trong tỉnh nói riêng đặt ra yêu cầu cho lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản buộc phải phát triển để đáp ứng các yêu cầu đó.


Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh miền Trung phát động chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển tại Đà Nẵng

Chính sách hỗ trợ kịp thời

Mặc dù là ngành mang lại nguồn lợi lớn nhưng ngư dân nơi đây cũng còn gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu do tàu đánh bắt thủy sản có công suất nhỏ, phương tiện, trang thiết bị đánh bắt lạc hậu, phạm vi khai thác chủ yếu là ven bờ dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Nhằm khắc phục những khó khăn để ngư dân yên tâm bám biển, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có những chính sách hỗ trợ kịp nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế từ sinh kế biển cho ngư dân nói chung.

Theo ông Trịnh Quang Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản thành phố thì Đà Nẵng gần như là địa phương đầu tiên trên cả nước có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất lớn để vươn khơi. Nhờ chính sách này, thành phố đã có những đội tàu mới với công suất lớn, vững chãi và an toàn hơn để vươn khơi đánh bắt xa bờ, nâng hiệu quả kinh tế lên rất cao và góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo. Kết quả triển khai cho thấy từ năm 2012 đến nay, ngư dân Đà Nẵng đã được hỗ trợ đóng mới 84 tàu cá có công suất lớn để vươn khơi khai thác, tác động tích cực đến hoạt động khai thác hải sản và đời sống kinh tế của ngư dân thành phố.

Cơ cấu tàu cá thành phố đã chuyển đổi theo hướng giảm số lượng tàu công suất dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng mạnh số lượng tàu từ 90CV trở lên khai thác ở vùng khơi, phù hợp với định hướng phát triển thủy sản của Chính phủ và thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Đà Nẵng cho biết, nhằm nâng cao giá trị thủy sản, bước đi đầu tiên của Đà Nẵng là dừng chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá theo Quyết định 47/2014/QĐ-UBND. Thay vào đó, trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025, thành phố Đà Nẵng sẽ ban hành các chính sách mới như: Hỗ trợ lệ phí mua bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị bảo quản sản phẩm thu hoạch. Tổng kinh để thực hiện các chính sách này là hơn 100 tỷ đồng.

Theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, thành phố cũng ban hành chính sách mới hỗ trợ ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản như mua sắm trang thiết bị để bảo quản sản phẩm thu hoạch. Cụ thể, ngoài phần hỗ trợ của Trung ương, thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ thêm 40% lệ phí mua bảo hiểm thân tàu với kinh phí gần 49 tỷ đồng; hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và kinh phí thuê bao năm đầu tiên với khoảng 28 tỷ đồng; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị để bảo quản sản phẩm thu hoạch như: hầm bảo quản, hầm lạnh, hệ thống lạnh... với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng.

Thời gian tới, thành phố định hướng tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ các tàu cá hiện có để nâng cao sản lượng chất lượng sản phẩm sau khai thác, trang bị đầy đủ các trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như an toàn cho ngư dân khi tham gia hoạt động trên biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ.

Định hướng phát triển bền vững

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, để tận dụng được các lợi thế và cơ hội do thị trường mang lại, ngành khai thác thủy sản Đà Nẵng cần giải quyết vấn đề vốn cho ngư dân, nâng cao được trình độ đánh bắt xa bờ và năng lực cạnh tranh tổng thể của sản phẩm chế biến. Từ nay đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức lại sản xuất; trong đó, tập trung tái cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản, duy trì ổn định sản lượng khai thác. Từ nay đến 2020, thành phố Đà Nẵng phấn đấu sản lượng khai thác hải sản ước đạt 38.000 tấn và đạt 45.000 tấn vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để thực hiện dịch vụ hậu cần tiêu thụ sản phẩm hải sản cho ngư dân, phấn đấu đến năm 2020 đạt 15 chiếc và năm 2030 đạt 50 chiếc; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các tổ, đội khai thác trên biển, phấn đấu đạt 100% tàu công suất 90CV trở lên tham gia tổ, đội và nghiệp đoàn nghề cá. Đồng thời, tập trung đầu tư cảng Thọ Quang thành trung tâm nghề cá của thành phố, cũng như của khu vực và vịnh Mân Quang thành nơi trú bão cho tàu thuyền công suất lớn từ 400 - 1000 CV.

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Đỗ Tám, trước mắt, Đà Nẵng tổ chức sản xuất trên biển theo hướng tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình tổ ngư dân đoàn kết khai thác trên biển, tổ hợp tác, hợp tác xã, nghiệp đoàn đánh cá, các liên doanh; tạo liên kết giữa ngư dân, hợp tác xã với các tổ chức doanh nghiệp, các đơn vị trung gian trong cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua, tiêu thụ sản phẩm trên biển, hướng đến việc hình thành chuỗi liên kết từ khai thác,bảo quản, vận chuyển, thu mua, chế biến đến xuất khẩu.

Hiện, UBND thành phố Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư, xây dựng cảng cá Thọ Quang. Việc xây dựng cảng cá lớn nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá  theo hướng hiện đại, tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung, tạo đầu mối thu mua thủy hải sản, chỗ neo đậu tránh, trú bão cho ngư dân các tỉnh miền Trung. Cùng với đó theo định hướng phát triển ngành, thành phố cũng đầu tư nâng cao năng lực quản lý về thủy sản của lực lượng kiểm ngư, hệ thống thông tin quản lý nghề cá, dự báo ngư trường, kết nối thông tin liên lạc tàu cá nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và người khi hoạt động khai thác trên biển. Nghiên cứu xây dựng đề án đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ đại dương trong mối quan hệ với Nhật Bản, đề nghị đối tác hỗ trợ đào tạo thủy thủ, hướng dẫn công nghệ đánh bắt cá ngừ để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Lê Phượng