Đồng hành với ngành giáo dục

- Thứ Sáu, 14/06/2019, 08:09 - Chia sẻ
Thời gian qua, vi phạm, tiêu cực của giáo dục làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành và niềm tin của nhân dân. Tôi quan niệm, giáo dục không phải là việc của riêng ngành giáo dục, vì vậy, trách nhiệm đồng hành với ngành trong đổi mới và chống tiêu cực là việc cần thiết, nên làm”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam HẦU A LỀNH đã có buổi chia sẻ báo chí về vấn đề này.

- Năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD - ĐT công bố với lộ trình triển khai cụ thể - đây là một trong những việc nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, thưa ông?

- Tôi đồng tình đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của ngành giáo dục. Ý nghĩa của Chương trình chính là ở chỗ, đã hướng vào xây dựng xã hội học tập, có sự đổi mới của các thầy cô giáo, của cả gia đình, xã hội và quan trọng nhất là phát huy được tính tích cực của học sinh. Chương trình đã xác định được rõ mục tiêu giáo dục phổ thông, nhằm giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ là những điểm sáng cá nhân tôi ghi nhận.

Tuy nhiên, cần bắt đầu từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với xã hội, phụ huynh, học sinh và đội ngũ giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó làm rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu cần hướng đến nhằm tạo ra một sự thống nhất, đồng thuận, ủng hộ trong toàn xã hội, cùng chung tay với ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình.

- Sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành và toàn xã hội trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo cần thiết như thế nào, thưa ông?

- Để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục trước tiên phải có sự tự thân trong việc nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về cơ chế, chính sách phù hợp, và phải có những nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt tự đổi mới trong toàn ngành trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các cơ quan, ban ngành và toàn xã hội có những ủng hộ, giúp đỡ tích cực, cùng với sự hưởng ứng, vào cuộc của toàn xã hội, cụ thể là sự vào cuộc của gia đình, phụ huynh học sinh là những động lực thuận lợi, cần thiết để ngành giáo dục hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình.

- Theo ông, cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các ban, ngành và toàn xã hội có trách nhiệm như thế nào trong việc cùng ngành giáo dục xử lý một số vấn đề tiêu cực như gian lận thi cử, bạo lực học đường, lạm thu...?

- Thời gian qua, ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến và ủng hộ của xã hội, phụ huynh học sinh và học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới giáo dục vẫn còn có những vấn đề khiến dư luận xã hội băn khoăn, lo lắng.

Gần đây, nổi lên một số vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội đối với ngành giáo dục liên quan đến đạo đức nhà giáo, học sinh, biểu hiện của việc “chạy theo thành tích” vẫn tồn tại; các vụ “bạo lực học đường” liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, vấn đề lạm thu... sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng. Dù đây là những vấn đề không phổ biến, mang tính cá biệt, nhưng đã gây ra lo lắng, hoài nghi trong dư luận và yêu cầu đặt ra trước tiên là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Quan điểm của MTTQ Việt Nam, về mặt chủ quan, đúng là trong ngành giáo dục có lúc, có nơi còn thiếu sâu sát trong nhắc nhở, quán triệt, phát hiện, xử lý và phối hợp xử lý, giải quyết hậu quả phát sinh, trách nhiệm đó về cơ bản thuộc về ngành giáo dục, một số ban, ngành chức năng có liên quan, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của xã hội, của gia đình.

- Xử lý nghiêm những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ là động lực thúc đẩy đổi mới giáo dục thực chất, thưa ông?

- Nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát những hạn chế và khắc phục kịp thời “lỗ hổng” trong quá trình tổ chức thực hiện quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, chủ động ngăn chặn gian lận trong kỳ thi phổ thông trung học quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo; tuyệt đối không lặp lại những sai sót, vi phạm, tiêu cực trong ngành giáo dục.

Coi sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung và đổi mới thi cử nói riêng. Tôi mong rằng, đổi mới giáo dục là một quá trình cần sự kiên trì, nghiêm túc, trách nhiệm, vậy nên không nên nhìn nhận, đánh giá từ một vài sự việc mà dẫn đến thất vọng hay bi quan về sự nỗ lực, cố gắng của một ngành có tác động xã hội lớn như ngành giáo dục thời gian qua.

- Xin cảm ơn ông! 

NHẬT ANH thực hiện