Chính sách và cuộc sống

Đồng cam cộng khổ với người dân

- Thứ Sáu, 27/03/2020, 08:21 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 khiến nền kinh tế cả thế giới lao đao và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến hầu hết các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế mà cả với thu nhập của người dân. Cùng với dịch bệnh lại thêm thiên tai gây hạn hán xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long khiến nền kinh tế khó càng thêm khó.

Chính phủ phải chi tiêu rất nhiều cho dịch bệnh và ứng phó với thiên tai. Đã có một số giải pháp được kiến nghị thực hiện để giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân như giãn giảm thuế, giãn nợ, hạ lãi suất, giãn nộp bảo hiểm xã hội… Nhiều doanh nghiệp và cá nhân bỏ tiền túi hỗ trợ người dân qua cơn bĩ cực cũng như góp công góp của cùng Chính phủ ứng phó với dịch bệnh.

Trong bối cảnh như vậy, ngành điện và xăng dầu cần giảm bớt lợi nhuận như một cách đồng cam cộng khổ với người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp có kho lạnh cần được ưu đãi về giá điện vì hiện nay giá điện dùng cho kho lạnh đang cao hơn giá điện sản xuất từ 25 - 30%. Nếu chỉ tuyên bố “không tăng giá điện trong năm nay” như Bộ Công thương thôi là chưa đủ.

Liên quan đến xăng dầu, theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành do Tổng cục Thống kê công bố, xăng dầu chiếm khoảng 3% trong tổng giá trị sản xuất và 5% trong tổng chi phí trung gian của nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu giảm 10% sẽ khiến GDP tăng khoảng 1,2% và nếu giá xăng dầu giảm 20%, GDP tăng xấp xỉ 2% và làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,17%. Trong khi nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc đưa ra gói kích cầu có thể có những rủi ro về đạo đức và lạm phát, thì giảm giá xăng dầu là con đường an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều.

Tuần qua, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhất trong 20 năm gần đây. Hầu hết báo chí đều đưa tin theo dữ liệu của Bộ Công thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore 15 ngày qua với RON 92 là 43 USD/thùng, RON 95 là 44 USD/thùng, giảm 30 - 35% so với kỳ điều hành trước, cùng với đó, giá dầu thế giới đang lao dốc. Do đó, giá xăng dầu trong nước được dự đoán có thể giảm 3.000-4.000 đồng/lít. Nhẽ ra nếu giá xăng dầu thế giới không giảm thì giá xăng trong nước cũng nên giảm, tuy nhiên, với quyết định của liên Bộ Công thương - Tài chính là trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 là 200 đồng/lít, xăng RON 95 và dầu diesel 800 đồng/lít, giá xăng dầu đã mất đi cơ hội giảm giá sâu hơn.

Bản chất Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay là lấy tiền ứng trước của chính người mua xăng dầu để “bình ổn giá” cho người mua xăng dầu chứ không nhờ sự can thiệp của bên thứ ba. Khó hiểu hơn nữa là trong báo cáo hồi tháng 2.2020 của Bộ Tài chính cho thấy, tổng số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết quý IV.2019 là gần 2.800 tỷ đồng nhưng lãi phát sinh chỉ có hơn 2 tỷ đồng. Việc này được giải thích là do tiền trong quỹ được gửi ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn (dao động từ 0,2 - 0,5%/năm). Tuy nhiên, điều đó cho thấy số tiền thu về Quỹ Bình ổn xăng dầu chưa được sử dụng hiệu quả. Quỹ này hoàn toàn có thể mang lại số tiền lãi cao hơn, nhằm giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp. Quyết định gửi ngân hàng với lãi suất bao nhiêu, gửi theo hình thức nào để có lợi nhất cho Quỹ hoàn toàn phụ thuộc vào tính toán của Bộ Tài chính, Bộ Công thương.

Giờ đây khi người dân cả nước đang chung tay ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, thiết nghĩ mọi chính sách, mọi quyết định điều hành của các bộ, ngành càng cần thể hiện sự đồng hành với người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.

TS. Bùi Trinh