TP Hồ Chí Minh

Đồng bộ các giải pháp kiểm soát chất lượng không khí

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 09:19 - Chia sẻ
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trên địa bàn trong tháng 9.2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ 3 nguồn chính là hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng.

Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất, bởi TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 10 triệu phương tiện, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông cũng gây ô nhiễm không khí đáng kể do hoạt động của máy móc thi công, phương tiện vận chuyển phát sinh chất khí độc hại và tiếng ồn. Ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống của hầu hết người dân.


Khí thải từ phương tiện giao thông là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí 
Nguồn: ITN

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp như đẩy mạnh việc thực hiện các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp; áp dụng các mô hình sản xuất sạch, sử dụng các nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện di chuyển công cộng, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống. Triển khai các biện pháp tổ chức giao thông khoa học nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, xây dựng và hoàn chỉnh các tuyến đường, trục chính đô thị, các nút giao thông, cầu, hầm vượt sông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Thời gian tới, để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, thành phố cần tiếp tục rà soát, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là xây dựng quy định đối với môi trường không khí. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn như các công trình xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị, mở rộng công viên cây xanh; tăng cường phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng xanh, sạch... Cùng với đó, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chất lượng môi trường không khí đối với sức khỏe đến cộng đồng. Cần phải đồng bộ các giải pháp mới hy vọng kéo giảm ô nhiễm không khí hiện nay.

Vân Phi