Tản mạn

Dọn rác từ đâu?

- Thứ Năm, 05/05/2016, 08:02 - Chia sẻ
“Sóng về đâu”, tên một ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hẳn nhiên không phải viết về những bãi biển ngập rác sau kỳ nghỉ lễ, nhưng vẫn vẳng đến hôm nay những lời buồn như vừa mới viết: “Biển sóng đừng xô tôi/ Đừng xô tôi ngã dưới chân người/ Biển sóng đừng xô nhau/ Ta xô biển lại sóng về đâu?...”

Những bãi biển ngập rác sau kỳ nghỉ lễ, khiến cư dân mạng lại thêm lần nữa dậy sóng phẫn nộ: Thôi đừng chửi nguồn xả độc nào làm cá chết nữa, một khi tự trong ý thức của mỗi chúng ta đã không có được sự nâng niu cần có với môi trường và một trách nhiệm công dân ở mức tối thiểu. “Thủy triều đỏ” ít nhiều là đó chứ đâu! “Tảo nở hoa” ít nhiều cũng là đó chứ đâu, khác chăng là những “bông hoa ngũ sắc” được kết từ đủ thứ rác: vỏ bánh kẹo, vỏ lon bia, vỏ dừa, vỏ bao bim bim… mà biển đã đáo để gửi trả lại con người như một lời cảnh báo.

“Đừng lấy gì trừ những bức ảnh. Đừng để lại gì trừ những dấu chân. Đừng giết gì trừ thời gian” - Câu khẩu hiệu nổi tiếng dẫn theo Baltimore Grotto, một hiệp hội thám hiểm và bảo vệ hang động của Mỹ, vốn trước giờ vẫn được các chuyên gia môi trường và dân du lịch chuyên nghiệp truyền cho nhau nghe, xem ra đã không lọt đến tai những vị khách “hồn nhiên vô (số) tội” này. May ra thì là câu tục ngữ “chế” này: “Cáo chết để da, người ta… sống để rác”.

Hôm qua, theo tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước cũng đã được huy động vào cuộc để cùng tìm hiểu nguyên nhân cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung. Chưa kể, còn thêm cả các chuyên gia nước ngoài. Câu trả lời đã và sẽ có, dù thỏa đáng hay chưa được thỏa đáng, minh bạch hay chưa minh bạch, thì ít ra cũng đã được đặt lên bàn. Duy những bãi biển ngập rác mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể nhận biết được bằng mắt thường và đáng kể là có thể kiểm soát được nó, bằng chính ý thức công dân của mình, thì sẽ mãi là những câu hỏi bỏ ngỏ, nằm ngoài luật định. Vì hẳn là ai cũng nghĩ “chắc họ trừ mình ra”, hoặc có là gì đâu, một cái vỏ bao bim bim giữa nơi biển cả… Để mỗi kỳ nghỉ lễ, lại tiếp tục tái diễn, nếu như không có sự ra tay rốt ráo của chính quyền sở tại, như thành phố Vũng Tàu mới đây đã kiểm soát được rất tốt chất lượng môi trường tại bãi biển của mình, cũng là diện mạo của một thành phố biển…

Hôm qua, hai trong số ba em học sinh lớp 9 bị đình chỉ học, liên quan đến vụ đi tiểu bậy tại trường THCS Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình cũng đã ra khỏi án phạt của nhà trường (chỉ bị đình chỉ học 2 tuần, thay vì 6 tháng như trước đó) và được cắp sách đến trường trở lại. Riêng em còn lại thì bị đình chỉ học tới 6 tuần, và điều đó đồng nghĩa với việc em này sẽ không được dự kỳ thi cuối cấp. Tạm khép lại một án phạt gây tranh cãi, nhưng thật khó đi qua cảm giác buồn này: Điều gì đã khiến ba em học sinh lớp 9, lại có thể tung ra những lời vô lễ, thậm chí tục tĩu nhằm vào thầy cô giáo và tìm cách phát tán nó ra khắp mọi nơi: lên bảng, lên tường, cầu thang, cổng chợ, cổng công sở… Thậm chí, còn thắp hương lên bàn giáo viên, chửi bới đe dọa giáo viên… Rác ở biển, ít nhiều còn hy vọng được sóng cuốn trôi, nhưng những thứ rác học đường ấy, liệu sẽ đi về đâu, khi những đứa trẻ ấy ra ngoài xã hội, mà không được thầy cô giáo, cha mẹ uốn nắn kịp thời?

“Rác” về đâu, khi chúng ta vẫn còn lúng túng trong cách “dọn rác”?

Nguyên Lê