Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Lạng Sơn Khóa XVI

Dồn lực cho nông nghiệp, nông thôn

- Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:18 - Chia sẻ
Phấn khởi, đồng tình cao với kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, hiến kế cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong đó, đề nghị tỉnh bố trí vốn sớm đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, lựa chọn kỹ lưỡng các nhà đầu tư; đồng thời, dồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Lựa chọn kỹ lưỡng nhà đầu tư

Lạng Sơn là tỉnh biên giới nên việc quan tâm đầu tư xây dựng các dự án, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện đang gặp phải vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; nguồn vốn đầu tư; các nhà thầu triển khai thi công các hạng mục còn chậm... Theo đại biểu Phạm Quang Cường (huyện Cao Lộc), trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án đầu tư chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn mà còn tác động không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dự án liên quan đến hạ tầng giao thông. Đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý dự án sớm đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để kịp thời đưa các dự án vào khai thác sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Đại biểu tham gia phiên thảo luận tổ Ảnh: Trần Tâm

Đại biểu Hoàng Văn Tài (huyện Bắc Sơn) cho rằng: Qua giám sát, khảo sát cho thấy, nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng từ lâu đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các công trình nhỏ. Một số công trình kênh mương thủy lợi mới được đầu tư xây dựng nhưng sau khi đưa vào khai thác đã bị xuống cấp như tại xã Cao Minh, huyện Trường Định. Ngoài ra, việc bố trí nguồn lực và công tác quản lý trong khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị, tỉnh cần tiếp tục có giải pháp phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và ứng dụng phương pháp tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn; bố trí kinh phí phù hợp sửa chữa kịp thời các công trình hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa bão; đặc biệt, tăng cường kiểm tra các nhà thầu trong thi công công trình thủy lợi, nhất là kênh mương nhằm bảo đảm chất lượng công trình để sử dụng bền lâu.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, có những tuyến đường rất cần thiết được đầu tư nhưng không được giải quyết dẫn đến đầu tư dàn trải, gây thất thoát vốn, khó đạt mục đích đề ra. Ngoài ra, việc lựa chọn các nhà đầu tư chưa chặt chẽ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng thi công các công trình. Theo đó, các đại biểu đề nghị, bên cạnh nêu cao quan điểm sẵn sàng đón các nhà đầu tư có tâm, có tầm, tỉnh cần xem xét kỹ lưỡng việc lựa chọn các nhà đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Đồng thời, quan tâm hơn đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, trường hợp nào chây ỳ cần kiên quyết xử lý.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung

HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế được các đại biểu phản ánh. Do đó, HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp thu, hoàn thiện và có những giải pháp cụ thể hơn để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhất là những tồn tại, hạn chế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Nghiệm

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực, năng suất, giá trị canh tác tăng theo từng năm, các địa phương đã chủ động xây dựng các sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đại biểu Đặng Thị Kiều Vân (huyện Tràng Định), việc định hướng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp trên địa bàn hiện nay vẫn chưa thật sự rõ nét. Đặc biệt, việc rà soát, triển khai quy hoạch 3 loại rừng vẫn chậm; công tác quản lý rừng còn nhiều bất cập. Trong đó, định mức khoán quản lý bảo vệ rừng đang ở mức thấp, tổng mức kinh phí bố trí cho công tác quản lý bảo vệ rừng hiện chưa đáp ứng được với diện tích thực tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị, tỉnh cần quan tâm xây dựng các cơ sở chế biến các sản phẩm về lâm nghiệp và sớm bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Dẫn chứng thêm, nhiều đại biểu cho rằng, việc phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh hiện chưa có hướng đi bài bản nên vẫn diễn ra tình trạng sản xuất tự phát, tràn lan, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân còn nhiều hạn chế. Theo các đại biểu, để khắc phục tình trạng trên, tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo sát sao việc triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, xác định hướng đi bài bản để thúc đẩy nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững. Trong đó, tiếp tục xác định rõ các tiềm năng, lợi thế của địa phương để điều chỉnh quy hoạch ngành; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực.

Liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế trong phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng khẳng định, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, HTX, tổ hợp tác, cá nhân có điều kiện về vốn, kỹ thuật có thể tích tụ ruộng đất để sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi trên cơ sở người dân tự nguyện cho thuê đất hoặc liên kết góp vốn bằng đất. Mặt khác, tỉnh sẽ chủ động tìm kiếm, thiết lập và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, mỗi địa phương cần phát huy nội lực, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. 

TRẦN TÂM