DỌN ĐI NƠI KHÁC LÀ XONG<Br><I>Truyện ngắn của Nguyên Hương</I>

- Thứ Năm, 09/09/2010, 00:00 - Chia sẻ

-  Em cứ nhớ hoài cái lần má với em đang đi trên đường mà trời đổ mưa. Mưa to lắm nghe. Mà chỉ có một cái áo mưa. Má mặc áo mưa. Em bị ướt. Về tới nhà gặp bà hàng xóm lanh chanh “Sao chị để con ướt?”, má nói “Nó ướt thì có tui lo, chớ tui ướt đổ bịnh nằm xuống lấy ai lo cho cả nhà?” Má có lý quá hả chị?

-  Tới giờ chị đi học rồi Tuyết ơi. Tối gặp lại được không?

-  Chị sắp giống anh Tân rồi đó. Chị em gì mà mới gặp lại nhau nửa tiếng đã đòi đi.

-  Nhưng tới giờ chị phải đi học rồi. Ông thầy hướng dẫn chị hắc ám lắm.

-  Già rồi mà chị siêng học giống hệt hồi còn nhỏ. Hồi đó em mà siêng giống chị thì chắc ba má đã không ...

-  Đừng có đổ thừa tất cả cho ba má như vậy. Lớn rồi mà...

-  Em biết em biết em biết. Em nhận là dốt nên zê rô hoài nên chán đòi nghỉ học. Nghỉ học rồi sinh ham chơi rồi hư. Là tại em. Thôi em đi đây. Khi nào em ghé.

-  Buổi tối chị rảnh hơn.

-  Tối mà em rảnh là em chết luôn cho rồi.

-  ...

-  Chị đừng có nhăn mặt như vậy. Chẳng lẽ chị muốn em nói xạo với chị?

-  Thôi được rồi. Chủ nhật này chị được nghỉ cả ngày.

-  Vậy chủ nhật em tới chơi nguyên ngày luôn. Chị yên tâm, em không làm phiền gì chị đâu. Chị cứ ngồi yên mà học, em sẽ đi chợ mua đồ về nấu ăn cho. Nhưng em hỏi thiệt là chị có mắc cỡ em lui tới không? Trả lời một tiếng thôi.

-  Không.

-  Em không muốn làm chị khó xử đâu nghe. Mắc cỡ thì cứ nói thẳng với em. Em dư sức xử.

* * *

-  Sao không tới đây rồi hai chị em đi chợ luôn cho vui?

-  Chỗ em ở gần chợ nên tiện đi luôn. A, hay là chị ghê tiền của em?

-  Đừng nói vậy Tuyết.

-  Em giỡn mà.

-  Cái giọng Sài Gòn lai của em giỡn khó nghe quá.

-  Chị học ở đây hai năm rồi cũng sẽ bị lai như em. À, ý em nói là lai giọng thôi. Đố chị con cá này bao nhiêu?

-  Hai trăm.

-  Ủa. Biết giá con cá này là chị cũng ăn uống sành điệu quá đó nghe.

-  Đi chợ không bao giờ dám mua, nhưng hội họp cơ quan thì cũng được nếm.

-  Nghe hoàn cảnh quá. Chắc tại chị không chịu kiếm tiền mà cứ lo học nên mới nghèo.
-  Nói như em thì ai dám đi học?

-  Học xong cái cao học này rồi chị lên chức gì đây? Kể chuyện cơ quan chị cho em nghe đi.

-  Chuyện cơ quan mà nghe làm gì. Nghe chuyện nhà mình không có lý hơn sao? Từ ngày ba má chết...

-  Thôi.

-  Tuyết…

-  Em không thích.

-  Phải tự vấn mình trước đã.

-  Chị tưởng em là đứa không biết gì sao? Chị có nhìn thấy em đang mặc áo sơ mi kín mít cổ đây không? Sáng nay bà chủ nhà trọ thấy em mặc cái áo này, bả hỏi em mày câu được thằng nhà lành nào hả. Em không phải là đứa làm khổ người khác.

-  Đúng là em làm khổ em nhiều nhất.

-  Em nhớ cái lần tự nhiên nhớ nhà quá, gọi điện về, anh Tân lạnh băng “Xin lỗi cô là ai”.

-  Em phải tập quên bớt đi Tuyết à.

-  Em không quên cái gì hết. Em nhớ hồi mới đi bụi một tháng, khổ quá, em quay về bị ba má cấm cửa, mà trời lại mưa. Không biết xui khiến gì mà cứ nhắc tới ba má là dính dáng tới trời mưa. Em đứng trước nhà run cầm cập mà cửa vẫn đóng cứng ngắt. Lúc đó mà có cái xe tải ngang qua là xong rồi. Em định là mình chết nát bét ngay trước nhà cho ba má tiêu đời với mấy bà lanh chanh hóng hớt trong xóm luôn.

-  Em tưởng ba má sung sướng lắm sao?

-  Chị lén đưa cho em tấm ni lông và tám chục ngàn. Mà chị lấy đâu ra tiền ngay lúc đó hay vậy?

-  Chị làm thủ quỹ lớp mà.

-  Rồi tiền đâu chị đền quỹ lớp?

-  Thì cũng tiền ba má cho chớ đâu nữa.

- Hôm bữa bị hốt về trại ở Bình Phước, người ta nói nếu có gia đình bảo lãnh thì mau được tha. Em định khai địa chỉ và tên vợ chồng anh Tân cho chừa. Tưởng tượng vợ anh Tân nhảy lên tức điên vì tên mình bị dính tới một con nhỏ trong trại... 

-  Trong trại em làm gì?

-  Làm lung tung. Có đợt em cải tạo tốt được cho ra nấu bếp. Mà cũng nhờ vậy em mới biết làm cá nguyên con nè. Chị nếm thử đi.

-  Hơi ngọt.

-  Sài Gòn nấu món gì cũng ngọt nên em cũng bị lai mất rồi. Thôi để em nấu tô canh khác.

-  Không cần đâu. Mấy tháng nay cơm bụi chị cũng quen rồi mà.

-  Chị ăn cơm bụi hoài sao chịu nổi?

-  Ngọt thì chịu nổi nhưng rau thì rất thèm. Mà cũng phải chịu nổi thôi.

-  Vậy chị đem theo nồi niêu bếp núc làm gì?

-  Nồi niêu bếp núc là nhà thuê có sẵn. Chị cũng định tự nấu lấy nhưng ngờ đâu thời gian eo hẹp quá, quay đi quay lại đã hết ngày mà bài vở vẫn chưa xong.

-  Nếu chị không chê thì em tới nấu nướng cho. Ban ngày em rảnh không à mà. Có khi nhờ chị chịu em làm đầu bếp mà em bỏ được thói cờ bạc suốt ngày. À, quên kể chị hồi bị hốt nhốt trại mà em bỏ được thuốc lá đó.

-  Sao không bỏ cờ bạc luôn?

-  Cái món đó... hì hì... chắc đợi được làm đầu bếp cho chị thì mới bỏ được. Chị tin em đi, phải là thông minh lắm lắm mới ăn tiền người ta được. Đâu chỉ rủi may mà người này đánh bạc cất nhà người kia tự tử. Mà thôi, kể chuyện vui chị nghe. Hôm bữa có thằng cha kia lão luyện thương trường mà chơi bài dễ ợt là xì dách hoài mà vẫn cứ ngu. Con xì khi tính một khi tính mười khi tính mười một tùy mình, vậy mà bài mới phát ra, cầm hai con xì cơ xì chuồn trên tay cứ thắc mắc “Ủa, sao chưa rút đã quắc hăm hai?” Tụi em nín cười ăn tiền. Hai con xì mà để thua thì đúng là ngu tận mạng.

-  Có người cũng hai con xì mà để thua.

-  Chị ám chỉ em hả? Ý chị là em vừa đẹp vừa thông minh mà sao ra nông nỗi này hả? Em nói trước nè nghe: vui thì em ở chơi với chị, còn bóng gió này nọ là em đi liền.

* * *

Có nằm mơ Tuyền cũng không ngờ gặp lại Tuyết như thế này, nấu cơm ăn chung và trò chuyện một cách như đương nhiên là vậy. Ngủ trưa, Tuyết nằm lăn ra nền nhà “Sài Gòn nóng em thích nằm dưới này”, Tuyền lắc đầu “Nóng đến mấy cũng nên nằm giường kẻo hơi đất”.

-  Thì chị cứ nằm giường đi. Nằm đâu thì nói chuyện cũng nghe rõ mà.

Câu nói của Tuyết làm Tuyền phì cười. Tuyết cũng cười. Từ trên nhìn xuống, Tuyền thấy rõ những nếp nhăn đuôi mắt đứa em gái, mỗi cử động của cái miệng khiến những nếp nhăn lún sâu hơn. Nó thật sự đang nghĩ gì? Tuyền tự hỏi. Từ lúc gặp lại nhau đến nay, mỗi lần gặp cả hai chị em đều nói rất nhiều nhưng chẳng đâu vào đâu cả, điều chính yếu nhất đã không được thốt ra. Tuyết không kể về công việc của nó cũng như Tuyền không thể kể rõ về mình. Không thể đáp lại lời khen “Chị chăm học quá” bằng thổ lộ sau khoảng thời gian đi học này rồi Tuyền phải trở về với cuộc sống bất di bất dịch bên cạnh người chồng của những nguyên tắc bất di bất dịch.

Điều chính yếu nhất đã không được thốt nên lời nên sợi dây tung ra mà không nối lại được...

* * *

Nhưng cũng có một chút vui, đó là cảm giác nhẹ nhõm vì Tuyền đang được một mình nên có quyền đón tiếp đứa em gái giang hồ mà không bị lệ thuộc vào bất kỳ ai và bất kỳ quy tắc nào.

Không thể thay đổi được nữa, tận đáy lòng Tuyền biết là không thể thay đổi nên không thể thốt ra những câu nói người ta cần phải nói trong trường hợp này dù nói chỉ để mà nói. Ví dụ “Thôi, đủ rồi. Về nhà đi em. Đời còn dài”. Tuyền hình dung Tuyết nhướng mắt lên “Về đâu? Về nhà chị hả? Về nhà chị được không?”

Cũng hay là những câu nói suông không thốt ra nên sự thoải mái giữa hai chị em cứ vậy mà dần tăng lên, khoảng cách mười lăm năm xa cách hẹp dần lại. Chỉ còn lại điều duy nhất lấn cấn trong Tuyền là sự ghê ghê đôi khi. Sự ghê ghê này chính Tuyền cũng không ngờ, nó bục ra khi Tuyết chồm người “Chị có sợi tóc bạc kìa”. Ngực Tuyết sát mặt Tuyền, nghe rõ trái tim đập phập phồng. Hơi thở Tuyết phả theo ngón tay đang vạch  tóc và tràn xuống trán Tuyền, lan xuống mũi và Tuyền vội nín hít thở rồi ngay lập tức thấy hối hận. Để chuộc lỗi, Tuyền chìa mặt mình sát mặt Tuyết “Nặn dùm chị cái mụn, nó nổi cộm mấy ngày nay rồi”. Ngay lập tức Tuyết thả người lăn quay ra nền nhà, nhắm tít mắt “Buồn ngủ quá, em ngủ đây”.

Sợi tóc bạc trên bìa cuốn sổ màu đen như một vết thương khép hờ miệng. Tuyền những muốn vùi đầu vào lòng Tuyết hoặc kéo đầu Tuyết ngả xuống vai mình, cạn lòng với nhau, khóc một trận đã đời.

Nhưng đã không. Tuyền vẫn ngủ trên giường một mình và Tuyết nằm dưới nền nhà một mình, cười cười nói nói như đôi tình nhân biết trước sau gì cũng phải chia tay nên không muốn khơi chuyện sâu xa, tận hưởng ngày ngắn qua mau.

* * *

Tuyết đang gọt vỏ trái táo thì tiếng gõ cửa vang lên khiến hai chị em giật mình, Tuyền vừa hỏi “Ai đó?” thì tiếng giày đã đi từ cửa lớn tới cửa sổ và khuôn mặt chồng Tuyền hiện ra giữa những chấn song.

Hai chị em giật mình thêm lần nữa. Tuyền hoảng đến nỗi đờ người, còn Tuyết thì tay này cầm dao cứa tay kia.

Trong khi Tuyền mở cửa cho chồng thì Tuyết đã tự băng ngón tay mình bằng cái khăn mùi soa và kịp lau sạch bong những lấm chấm máu văng xuống mặt bàn.

-  Chào anh – Tuyết nói, giọng rất bình tĩnh – Em nghe nói chị Tuyền về đây học nên bữa nay ghé thăm, không biết là cả anh cũng đang ở đây. Thôi, chào anh chị, em đi.

Tuyền không nhìn theo em gái, cũng không dám nhìn chồng, đầu óc rối đến nỗi không biết nên làm gì.

Người chồng nện gót giày đi lui đi tới đi qua đi lại chỗ mà thường ngày Tuyền vẫn nằm ngủ trưa. Tuyền có cảm giác đôi giày đang giẫm đạp lên em gái của mình.

Người chồng đi vào phòng tắm. Tuyền nhìn xuống nền nhà, rồi Tuyền cúi xuống, chạm tay vào chỗ mà nãy giờ gót giày đạp lui đạp tới...

Giọng người chồng từ phòng tắm vọng ra:

-  Pha cho anh ly nước chanh đi em.
-  Dạ.

Tuyền lấy muỗng xúc đường vô ly nước, khuấy. Rồi tìm con dao để cắt trái chanh.

Không thấy con dao đâu hết.

Mà mới đây Tuyết vừa cầm dao để gọt táo.

Thốt nhiên Tuyền rùng mình... Có phải đứa em gái giang hồ không muốn Tuyền sử dụng con dao dính máu của nó.

Nghĩa là...

Ôi, không...

Choáng váng trong nhận thức đột ngột, Tuyền đi tới sọt rác... không thấy thứ gì dính máu cả. Mớ giấy để lau vệt máu trên bàn, không. Cả vỏ táo, cũng không...

Tuyết đã dọn đi tất cả những gì dính tới máu me.

Tuyền nhớ lại Tuyết né tránh đụng chạm vào người mình như thế nào... Ôi, không...

Tuyền khuỵu xuống vừa lúc người chồng từ phòng tắm đi ra. Người chồng ôm lấy Tuyền.

Tuyền khóc nức nở. Giọng người chồng tỏ vẻ độ lượng:

-  Nín đi em. Không sao. Nó biết chỗ ở của em rồi thì em dọn đi nơi khác là xong.