Quảng Trị

Đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp phát triển

- Thứ Ba, 13/08/2019, 07:54 - Chia sẻ
HĐND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Nghị quyết về Hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể. Chính sách được kỳ vọng giúp Quảng Trị trở thành địa phương tiên phong thực hiện thành công mục tiêu định hình một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, biến thiên tai khắc nghiệt trở thành tiềm năng, lợi thế để phát triển…

Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư

Với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, Quảng Trị xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là giải pháp then chốt để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển dần từ số lượng sang chất lượng và giá trị, phấn đấu trở thành địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực. Thực tế thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chia sẻ: Giai đoạn 2016 - 2019, nhiều giải pháp kỹ thuật, mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được triển khai, nhân rộng giúp mang lại giá trị trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, được nông dân đồng tình hưởng ứng, huy động được nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng của ngành trong bối cảnh tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu và dịch bệnh… ‘‘Những kết quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị khẳng định sự phù hợp và yêu cầu tất yếu của quá trình chuyển đổi sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm nông sản như: Tiêu hữu cơ, cà phệ sinh thái, gạo hữu cơ, chanh leo... đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài (Mỹ, châu Âu) và có thương hiệu trên thị trường tiêu dùng trong nước; góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới’’, ông Chính cho biết.


Quảng Trị phấn đấu có ít nhất 40ha nuôi tôm ứng dụng CNC, 50ha nuôi tôm sinh thái
Ảnh: T. Nhất

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hòe, do sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, diện tích đất sản xuất bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt 0,2ha; nguồn lực tài chính, đầu tư còn hạn chế; hệ thống chính sách chưa đủ mạnh và đồng bộ, thiếu kinh phí triển khai trên diện rộng; chưa thu hút nhà đầu tư lớn vào liên kết theo chuỗi giá trị; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu kỹ năng quản lý, sản xuất, thị trường; liên kết sản xuất theo vùng, liên kết “4 nhà”, “5 nhà” còn yếu, chưa chặt chẽ; toàn tỉnh mới chỉ có 12 chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn, hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp dễ phá vỡ…

Trên cơ sở đó, để tiếp tục định hướng đưa Quảng Trị trở thành địa phương tiên phong phát triển nông nghiệp an toàn, hữu cơ, gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đưa nông sản tham gia vào chuỗi kết nối nông sản quốc gia và toàn cầu; biến điều kiện khí hậu khắc nghiệt thành lợi thế phát triển, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái… tại kỳ họp giữa năm vừa qua, sau khi phân tích thấu đáo, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết Hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Từng bước giải quyết điểm “nghẽn”

 Với quan điểm phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình canh tác hữu cơ, gắn với sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, bảo đảm tính hiệu quả trên cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, Đề án đã đưa mục tiêu cụ thể có ít nhất 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào năm 2025; mở rộng diện tích canh tác tự nhiên, sinh thái vào sản xuất nông nghiệp bền vững. Đến năm 2025, có 2.000ha lúa, 500ha hồ tiêu, 500ha cà phê, 100ha hoa quả dược liệu sản xuất theo quy trình hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích nhân rộng diện tích canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Về nuôi trồng, có ít nhất 40ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, 50ha nuôi tôm sinh thái; có 30 - 40 % hợp tác xã tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản... Bí thư Thành ủy Đông Hà Võ Văn Hưng đánh giá, Nghị quyết được ban hành hứa hẹn là chính sách đột phá để giúp Quảng Trị trở thành địa phương tiên phong thực hiện thành công mục tiêu định hình một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, biến thiên tai khắc nghiệt trở thành tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Khẳng định đây là Đề án cần thiết mang tính chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng đề nghị các sở, ngành chức năng cần ưu tiên nguồn lực từ ngân sách địa phương và lồng ghép một số chính sách hỗ trợ của Trung ương để Đề án sớm đi vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời nhấn mạnh việc phải tạo ra được những mô hình điểm, tiêu biểu, hiệu quả, sau đó chuyển giao cho người dân để nhân rộng, tránh tình trạng dàn trải, manh mún, lãng phí nguồn lực đầu tư.

Còn theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng, HĐND tỉnh cần giao UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể để tránh trùng lặp trong thực hiện chính sách hỗ trợ với nguyên tắc: Trong cùng một thời điểm, nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau, đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất. Trong cùng một nội dung hỗ trợ, nếu đã được hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì không được hưởng hỗ trợ của ngân sách tỉnh và ngược lại. ‘‘Còn về kinh phí thực hiện hợp phần liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, UBND tỉnh cần bố trí lồng ghép nguồn ngân sách địa phương trình HĐND tỉnh quyết định sau khi có thông báo nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ…’’, ông Phụng kiến nghị.

Có thể thấy, Nghị quyết được ban hành trong hoàn cảnh toàn tỉnh Quảng Trị đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Như đánh giá của nhiều cử tri, việc ban hành và thực hiện Đề án sẽ giúp giải quyết điểm “nghẽn” trong tiêu thụ nông sản, thay đổi nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình hữu cơ vào sản xuất, giúp nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Đồng thời, góp phần thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng liên kết và phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị… Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng lợi thế từng vùng miền, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.

HẢI PHONG