Dự án Luật Thư viện:

Đối tượng nào cần ưu tiên đầu tư?

- Thứ Ba, 11/06/2019, 19:44 - Chia sẻ
Chiều 11.6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Bảy, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện. Cơ bản đồng tình với việc ban hành Luật, song các ĐBQH đề nghị, cần quy định rõ ngay trong luật những đối tượng nào được Nhà nước ưu tiên đầu tư. Việc đưa ra chính sách với từng loại thư viện phải được thiết kế trên đặc điểm đối tượng phục vụ và chức năng, nhiệm vụ chính của từng loại hình.

Tạo hành lang pháp lý để khuyến khích văn hóa đọc

Pháp lệnh Thư viện được ban hành năm 2000 đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hoạt động thư viện nước ta. Tuy nhiên, qua hơn 18 năm thực hiện, Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật liên quan, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, nhiều luật quan trọng có tác động trực tiếp đến hoạt động thư viện đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung.


ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên)
Ảnh: Quang Khánh

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cùng sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo ra bước tiến vượt bậc của hoạt động thư viện, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân; đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống thư viện. ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng, việc ban hành Luật Thư viện sẽ tạo hành lang pháp lý khuyến khích văn hóa đọc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện.


ĐBQH Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, ĐBQH Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy, dự thảo Luật còn quy định nhiều điều khoản chung chung khó áp dụng trên thực tế. Cụ thể, tại Điều 5 quy định phân loại thư viện theo phương thức hoạt động gồm thư viện truyền thống, thư viện số và thư viện tích hợp, nhưng sự phân loại này chưa mạch lạc, chưa có quy định về nội dung quản lý đối với loại hình thư viện truyền thống, thư viện tích hợp.  Tương tự, dự thảo Luật quy định thẩm quyền thành lập và phương án kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với loại hình thư viện này, song ĐB Dương Tuấn Quân cho rằng, vẫn chưa xác định rõ việc phân công, phân cấp trong thành lập, quản lý thư viện giữa UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện, xã; phương thức, lộ trình kiện toàn thư viện công cộng cấp huyện, xã đang hoạt động hiệu quả cũng như hình thành các không gian đọc cho người dân tại các địa bàn chưa có thư viện còn chưa cụ thể.

Chính sách nào cho thư viện?

Chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện cũng là một nội dung được các ĐBQH quan tâm thảo luận. Nội dung này được quy định tại Điều 4, dự thảo Luật, song tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ nhận thấy, số lượng chính sách được quy định tại điều 4, dự thảo Luật là khá lớn, trong đó, chính sách đầu tư tập trung cho một số thư viện trung tâm có vai trò quan trọng và là chính sách mới nhưng chưa được đánh giá tác động cụ thể. Cơ quan chủ trì thẩm tra cũng nhận thấy, chính sách đầu tư cho thư viện của Nhà nước cần có trọng tâm, trọng điểm, trong đó cần quy định cụ thể hơn việc ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện; phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa để huy động nguồn lực trong xã hội tham gia xây dựng, phát triển thư viện. Một số chính sách như nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào hoạt động thư viện (điểm b Khoản 2), hợp tác quốc tế (điểm đ Khoản 2) cần được cân nhắc đưa lên mức Nhà nước ưu tiên đầu tư (Khoản 1) thay vì hỗ trợ để tăng hiệu lực và tính khả thi.


ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình)
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, cần quy định rõ những đối tượng được Nhà nước ưu tiên đầu tư vào trong luật. Việc đưa ra chính sách với từng loại thư viện phải được thiết kế trên đặc điểm đối tượng phục vụ và chức năng, nhiệm vụ chính của từng loại thư viện.


ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, dự án Luật Thư viện cần tạo cơ sở để hình thành hệ thống thư viện thống nhất trên cả nước, giúp bảo đảm dù thư viện công lập hay tư nhân đều hướng đến phục vụ người dân; có sự bình đẳng với nhau về cơ chế, chính sách. Hệ thống thư viện trên cả nước phải kết nối với nhau.

Phương Thủy