Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:15 - Chia sẻ
Sáng 12.2, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, những năm vừa qua, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp rất quan tâm đến giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, góp phần đưa chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ngày càng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, thực tiễn giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là, khung giám sát, quy trình, cách thức tổ chức thực hiện giám sát; một số quy định pháp luật về chủ thể, đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát; năng lực và trách nhiệm của chủ thể thực hiện giám sát; năng lực và nhận thức, mức độ tham gia của các đối tượng giám sát và của người dân; các điều kiện thực hiện giám sát, chế tài đối với việc thực hiện các kết luận kiến nghị của giám sát thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội… chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Điều này đã làm cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp về thực hiện chính sách, an sinh xã hội chưa đạt được hiệu lực và hiệu quả như mong muốn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị, các đại biểu, nhà khoa học, nhà quản lý tập trung thảo luận nhằm làm rõ các nội dung về: Khung giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội; những quy định pháp luật nào về chủ thể, đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội còn chưa phù hợp, cần bổ sung, điều chỉnh như thế nào; làm thế nào để nâng cao năng lực và trách nhiệm của chủ thể thực hiện giám sát cũng như nâng cao năng lực, nhận thức, mức độ tham gia của các đối tượng chịu sự giám sát và của người dân?…

Tại Hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng bởi hoạt động này cung cấp những luận cứ khoa học nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội; bảo đảm chính sách, pháp luật về an sinh xã hội được thực thi đầy đủ, hiệu quả tại từng địa phương cũng như trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, đây vẫn là khâu yếu, có nhiều hạn chế, nhiều hoạt động còn hình thức, chậm đổi mới và hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống. 

Một số đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử thì cần có chế tài đối với việc thực hiện các kết luận giám sát và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức không thực hiện kết luận giám sát. Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng của đại biểu Hội đồng Nhân dân trong giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội; nâng cao chất lượng các kiến nghị giám sát; gắn hoạt động giám sát thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội với cuộc sống thực tiễn, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về an sinh xã hội được dư luận cử tri và nhân dân quan tâm... 

Thanh Chi