Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động HĐND cấp huyện - từ góc nhìn của đại biểu chuyên trách ở Bắc Giang

- Chủ Nhật, 03/06/2012, 08:28 - Chia sẻ
Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động HĐND cấp huyện, nhất là hoạt động giám sát và chất vấn tại kỳ họp là những vấn đề được nhiều đại biểu HĐND chuyên trách tại các huyện ở Bắc Giang quan tâm.

 
Phó chủ tịch HĐND huyện Lục Nam Trương Công Sìn: Giám sát phải tạo sự đồng thuận, không phải “đối trọng” với cơ quan quản lý nhà nước
 
  Để hoạt động giám sát của HĐND thực sự có chất lượng, hiệu quả, nhất là giám sát chuyên đề thì việc xác định nội dung giám sát là hết sức quan trọng. Theo tôi, đó phải là những vấn đề bức xúc đang được cử tri và nhân dân địa phương quan tâm. Như ở Lục Nam đó là các vấn đề về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường; công tác đầu tư xây dựng cơ bản...
 
 Theo kinh nghiệm của HĐND huyện Lục Nam, chúng tôi thường mời thêm chuyên gia các lĩnh vực tham gia Đoàn giám sát. Trước khi triển khai giám sát, Thường trực HĐND huyện thường tổ chức hội nghị liên tịch, mời các ngành có liên quan tham dự để nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ đó tại các địa phương, tạo cơ sở để khảo sát, đối chứng thực tế. Trong quá trình thực hiện giám sát, điều mà chúng tôi quan tâm và tìm hiểu kỹ đó là việc triển khai thực hiện chính sách mới ra sao, có gì vướng mắc. Thông qua giám sát để hiểu rõ công tác chỉ đạo, điều hành; những kết quả đạt được; những vấn đề còn tồn tại, hạn chế... Tuy nhiên, theo tôi, giám sát phải tạo sự đồng thuận, không phải “đối trọng” với các cơ quan nhà nước. Mục đích chính là tìm ra những tồn tại, vướng mắc và kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng, đơn vị chịu sự giám sát thực hiện các giải pháp để tháo gỡ.
 
Phó chủ tịch HĐND huyện Yên Dũng Hà Văn Bé: Để làm tốt chức năng giám sát, đại biểu dân cử phải có tâm, đủ tầm và đủ tài
 
Qua thực tế hoạt động của HĐND huyện Yên Dũng, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm nhằm làm tốt công tác giám sát. Đó là phải xác định mục đích, yêu cầu của việc giám sát; theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật và các nghị quyết của HĐND các cấp ra sao? Xem xét tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật có phù hợp với tình hình KT-XH ở địa phương không? Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND có gặp những khó khăn, vướng mắc gì cần kiến nghị để điều chỉnh? Ngoài ra, khi tiến hành giám sát phải dựa vào các quy định của pháp luật liên quan đến các nội dung giám sát, dựa vào sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, các báo cáo của đơn vị được giám sát, các ý kiến kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, theo tôi để làm tốt chức năng giám sát, một yếu tố rất quan trọng đó là các đại biểu dân cử phải có tâm, đủ tầm và đủ tài. Bởi lẽ, người làm công tác giám sát ngoài việc đánh giá cái đúng, cái sai, mặt được, mặt hạn chế còn phải có kiến thức, kinh nghiệm để nêu những kiến nghị, biện pháp hữu hiệu nhằm loại bỏ được những tiêu cực trái pháp luật. Không những thế, người giám sát phải có quan điểm rõ ràng, có bản lĩnh, có cách nhìn sáng suốt và phương pháp làm việc khoa học, hợp lý.
Ngoài ra, để giám sát hiệu quả ,Thường trưc và các Ban của HĐND phải có quy trình giám sát cụ thể từ khâu chuẩn bị, triển khai, kết thúc giám sát. Kết luận giám sát phải đúng và trúng. Biện pháp khắc phục nêu trong kiến nghị phải có đủ điều kiện thực hiện, không những đúng qui định của nhà nước mà còn xác đáng, phù hợp với khả năng của địa phương, đơn vị.
 
Uỷ viên thường trực HĐND huyện Tân Yên Nguyễn Văn Kiểm: Các Tổ đại biểu HĐND có vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị các câu chất vấn
 
    Để chuẩn bị tốt cho phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, trước mỗi kỳ họp, HĐND huyện Tân Yên đã khích lệ sự vào cuộc tích cực của các Ban, các Tổ đại biểu HĐND. Đặc biệt, các Tổ đại biểu có vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị các câu chất vấn, nhất là các đại biểu đang sinh hoạt, công tác ở cơ sở. Thông qua sự giao tiếp, gần gũi, cọ sát công việc hằng ngày, các đại biểu HĐND huyện là người ở các xã, thị trấn sẽ nắm chắc tình hình thực tế ở địa phương, những bất cập, vướng mắc  và nguyện vọng của cử tri, vì vậy khi chuẩn bị câu chất vấn thường rất sát và trúng.
 
Tại các kỳ họp HĐND ở cấp huyện, các câu chất vấn thường đi thẳng vào những vấn đề, sự vụ cụ thể ở phạm vi hẹp. Tuy nhiên, theo tôi điều đó cũng rất tốt vì các đại biểu sẽ có thêm thông tin, giám sát được quá trình giải quyết của ngành chức năng qua nội dung trả lời của người được chất vấn. Những câu hỏi như vậy thường cũng dễ chuẩn bị và cũng không quá gây “khó” cho người trả lời chất vấn.
 
Uỷ viên thường trực HĐND huyện Sơn Động Hoàng Duy San: Tại mỗi kỳ họp nên phát phiếu cho đại biểu HĐND đánh giá xếp loại người trả lời chất vấn
 
Theo tôi, để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giữa hai kỳ họp đại biểu HĐND phải chuẩn bị kỹ nội dung chất vấn bảo đảm đúng pháp luật, đúng thực tế, có trọng tâm, trọng điểm gửi Thường trực HĐND cùng cấp để tổng hợp, lựa chọn. Muốn vậy, mỗi đại biểu phải dành thời gian nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, nắm vững nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND các cấp; các nghị quyết của HĐND đã ban hành; lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri; hiểu biết về tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
 
Tại kỳ họp, chủ toạ phải đổi mới phương pháp điều hành, hướng người chất vấn và trả lời chất vấn vào nội dung chính, trọng tâm. Đặc biệt, chủ toạ cần động viên, khích lệ đại biểu, tạo không khí cởi mở, trách nhiệm giữa người chất vấn và trả lời chất vấn, xác định rõ trách nhiệm của người đại biểu dân cử và xoá bỏ mặc cảm về nhận thức và tâm lý của người nêu câu hỏi chất vấn. Nếu người được chất vấn trả lời chưa rõ có thể tái chất vấn hoặc có những biện pháp giám sát khác. Mặt khác, cần đổi mới nội dung chương trình từng kỳ họp, không nhất thiết cứ theo thứ tự, tuần tự cũ. Cần cân đối thời gian phù hợp cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tuỳ mỗi lĩnh vực, mỗi ngành mà bố trí thời lượng chất vấn, trả lời chất vấn thoả đáng. Tại mỗi kỳ họp, nên phát phiếu cho đại biểu HĐND đánh giá xếp loại người trả lời chất vấn, coi đây là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp, song việc tiến hành phải bảo đảm khách quan, tránh hình thức. Đây cũng là cách làm mới mà tại các kỳ họp vừa qua Thường trực HĐND huyện Sơn Động đã áp dụng.

                                                         
 

Lê Huyền thực hiện