Năm đầu tiên thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Đổi mới từ nhận thức đến hành động

- Chủ Nhật, 22/01/2017, 18:00 - Chia sẻ
Bước vào nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhân dân và chính quyền các địa phương, nhất là HĐND, phấn khởi bắt tay vào xây dựng và vận hành một hệ thống chính quyền trách nhiệm, năng động, hiệu lực và hiệu quả. Với góc nhìn của một cán bộ làm công tác thực tiễn nhiều năm ở địa phương, chúng tôi đề xuất một số việc cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức, triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương để Luật sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao nhất.

Thấm sâu tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua việc giới thiệu những người đại biểu đại diện cho mình tham gia vào bộ máy chính quyền địa phương là HĐND. HĐND bầu ra UBND, cơ quan chấp hành của mình, giúp tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

Với vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, HĐND có hai chức năng là quyết định và giám sát; với vai trò là cơ quan chấp hành, UBND có chức năng tổ chức thực hiện nghị quyết HĐND và các quy định pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Một chính quyền địa phương thực sự mạnh, làm tốt vai trò quản lý nhà nước của mình khi và chỉ khi cả hai cơ quan HĐND và UBND cùng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương như Luật Tổ chức chính quyền địa phương phản ánh đúng tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền và nguyên tắc tổ chức nhà nước mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra và đã được vận hành trong thực tiễn. Có người ví: Nếu coi chính quyền địa phương như một con chim thì HĐND và UBND là hai cánh. Con chim ấy chỉ bay cao, bay xa khi cả hai cánh cùng vẫy đều, vẫy khỏe.

Nhìn lại tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhiều năm qua cho thấy, ở một số nơi, những tư tưởng, nguyên tắc căn bản, cốt lõi ấy chưa thật sự được quán triệt đầy đủ trong nhận thức hoặc chưa biến thành hành động thực tế của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nhân lực, tổ chức thiết kế bộ máy, cơ chế chính sách và việc bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, chưa thật phù hợp và tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của cơ quan này. Mối quan hệ giữa HĐND với UBND ở một số nơi chưa thật sự thể hiện được bản chất là mối quan hệ gắn kết máu thịt của hai cơ quan trong cùng một thiết chế chính quyền địa phương, cùng vì mục tiêu chung, chỉ khác nhau về công việc do sự phân công về chức năng, nhiệm vụ. Cá biệt chỗ này chỗ kia còn có tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”, “công anh, công tôi”. HĐND giám sát thì bị coi là “soi”. Lẽ ra UBND phải hoan nghênh, tạo điều kiện để HĐND thực hiện chức năng giám sát, giúp UBND tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì có nơi UBND lại không muốn hoặc gây khó khăn cho giám sát của HĐND. Bản thân HĐND có nơi chưa đủ tự tin, thiếu bản lĩnh, thực hiện không đầy đủ và kém hiệu quả các quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

Nhìn lại quá trình trao đổi, thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 trên các diễn đàn từ năm 2011 - 2015 càng thấy rõ thêm nhận định trên. Trong báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp từ các địa phương đã có không ít đề nghị bỏ các quy định “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”,  “UBND là cơ quan chấp hành của HĐND” trong dự thảo Hiến pháp và trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Lại có cả ý kiến cho rằng bỏ HĐND ở cấp này hay cấp khác là gọn nhẹ bộ máy nhà nước và tiết kiệm tiền cho ngân sách… Với bản lĩnh cách mạng và khoa học, Trung ương Đảng và QH đã không chỉ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính quyền ở địa phương mà còn bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo đảm, tạo điều kiện để HĐND các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Vì thế, phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, làm cho những quy định của Luật, đặc biệt là tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền thấm sâu vào các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân.


Lãnh đạo TP Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Kỳ họp Tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2016 của HĐND TP
Ảnh: Khánh Duy 

Bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu - nhu cầu cấp thiết

 Luật Tổ chức chính quyền địa phương tiếp tục khẳng định tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Đồng thời, tiếp tục phát triển và cụ thể hóa tư tưởng cốt lõi, có tính nguyên tắc này trong các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, bảo đảm chính quyền vừa không xa rời bản chất của Nhà nước ta vừa năng động, trách nhiệm, phát huy hiệu quả hoạt động thực tiễn, phù hợp với đặc điểm, điều kiện và yêu cầu quản lý cụ thể ở từng địa phương. Với những đổi mới trong nhận thức và hành động, tin tưởng rằng, chính quyền nhân dân ở các địa phương sẽ hoạt động trách nhiệm, hiệu lực và hiệu quả hơn.

Ở nước ta chưa có trường lớp nào đào tạo “nghề” làm đại biểu dân cử. Người ta cũng chưa coi đại biểu dân cử là một nghề nên không ai chuẩn bị cho mình hành trang để làm nghề. Do được nhân dân tín nhiệm mà trở thành đại biểu HĐND. Các ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử đại biểu HĐND ở nước ta chưa bắt buộc phải qua các lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, về tổ chức và hoạt động của HĐND. Do đó, nhiều đại biểu sau khi trúng cử vào HĐND rất lúng túng, chưa am hiểu pháp luật, chưa có kinh nghiệm hoạt động (trừ số tái cử khoảng 30%). Thậm chí, có đại biểu là lãnh đạo HĐND (tham gia các cơ quan Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban) cũng ít hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.

Tại các hội nghị Thường trực HĐND các khu vực hàng năm, nhiều địa phương kiến nghị Ban Công tác đại biểu, UBTVQH quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ việc này. Thời gian qua, Ban Công tác đại biểu và Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tuy đã có nhiều cố gắng nhưng việc hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử vẫn còn nhiều hạn chế: Chưa xây dựng được bộ tài liệu chuẩn; chưa đề ra được một Chương trình đào tạo hợp lý, khoa học, những nội dung gì cần trang bị ngay cho đại biểu vào đầu nhiệm kỳ, các nội dung chuyên sâu cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong các năm tiếp theo của mỗi nhiệm kỳ; chưa xây dựng được kế hoạch phối hợp giữa Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của Văn phòng QH với Thường trực HĐND các địa phương để  đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các đại biểu dân cử ở địa phương.

Thường thì, các địa phương chủ động đề xuất để Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (Ban Công tác đại biểu) giúp đỡ, phối hợp tổ chức thực hiện và chủ yếu cũng mới chỉ thực hiện đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Đội ngũ báo cáo viên làm việc này ở các địa phương rất thiếu. Việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho đại biểu HĐND cấp xã ở các địa phương đều rất khó khăn, lúng túng. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho đại biểu HĐND, nhất là vào đầu nhiệm kỳ là nhu cầu rất cấp thiết ở các địa phương, cần có sự chỉ đạo bài bản, khoa học, thống nhất và có hệ thống.  

Phát huy sự năng động của chính quyền địa phương

Trong các quy định của pháp luật thì thẩm quyền và trách nhiệm giám sát, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động của HĐND các cấp thuộc về UBTVQH và Chính phủ. Tuy có nhiều cố gắng nhưng thời gian qua hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong Chương trình và Kế hoạch giám sát của UBTVQH hàng năm vẫn ít quan tâm đến nội dung giám sát tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Một số nội dung quy định trong Luật nhưng vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương chưa thể thực hiện được. Một số quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương không được tuân thủ và thực thi nghiêm. Các Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực đều có ý kiến đề xuất, kiến nghị về các nội dung liên quan đến các quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện ở địa phương, nhưng ít hoặc chậm nhận được ý kiến phản hồi.

Một quan niệm có tính truyền thống là HĐND cấp trên không có thẩm quyền và trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn HĐND cấp dưới trong tổ chức và hoạt động. Thực tế, điều này đã dẫn tới việc tất cả những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức hoạt động của HĐND mỗi cấp đều phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của UBTVQH và Chính phủ. Điều này đã làm hạn chế tính năng động, sáng tạo, kịp thời và tính tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra, hướng dẫn của UBTVQH và Chính phủ đối với HĐND các cấp để vừa bảo đảm việc tuân thủ và thực thi các quy định pháp luật, vừa kịp thời tổng hợp, xem xét, xử lý những vấn đề mới phát sinh để báo cáo, đề xuất với QH điều chỉnh. Mặt khác, cần nghiên cứu việc giao trách nhiệm hoặc ủy quyền cho Thường trực HĐND cấp trên theo dõi, giám sát, hướng dẫn HĐND cấp dưới ở địa phương theo nguyên tắc không trái với các quy định pháp luật hiện hành, chịu trách nhiệm và tổng hợp báo cáo với UBTVQH.

TS. Lê Văn Hoạt - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội