Đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:40 - Chia sẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn 2021 - 2025 được dự báo nhu cầu trợ giúp xã hội tiếp tục tăng. Đồng thời, quá trình cải cách thể chế, cải cách kinh tế, những tác động của các yếu tố công nghệ, hợp tác quốc tế… là các yếu tố tác động, đòi hỏi hệ thống trợ giúp xã hội cần đổi mới toàn diện đáp ứng với yêu cầu trợ giúp đối tượng yếu thế.

 Trên 3 triệu đối tượng được hưởng trợ cấp

Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua đã có nhiều chính sách pháp luật liên quan đến an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, công tác xã hội và đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội toàn diện trên các phương diện được Nhà nước ban hành. Trong đó, phải kể đến Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013, Quyết định số 488/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án này, đã xác định mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội; 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp…

Với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ chính sách, giải pháp, chương trình về trợ giúp xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội trên 3 triệu người, hàng triệu lượt người được hỗ trợ lương thực hàng năm; mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội, công tác xã hội cả ở trong cơ sở chăm sóc và cộng đồng được xây dựng, phát triển; các chương trình chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, nạn nhân bom mìn, trẻ em đặc biệt khó khăn được triển khai đồng bộ. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bộ phận dân cư khó khăn ngày càng được ổn định, hòa nhập và phát triển, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đơn cử, thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, đến cuối năm 2019, cả nước đã có trên 3 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được hỗ trợ kinh phí chăm sóc và cấp thẻ bảo hiểm y tế; 48.423 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 432 cơ sở trợ giúp xã hội (trong đó có 182 cơ sở công lập), chiếm khoảng 3% dân số và tăng so với năm 2006. Kinh phí thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên hàng năm là 17.563 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, hàng triệu người thiếu lương thực sau thiên tai, giáp hạt, dịp Tết Nguyên đán được cứu trợ kịp thời. Giai đoạn 2015 - 2020, Trung ương đã hỗ trợ địa phương 313.297 tấn gạo và 2.269 tỷ đồng để cứu trợ đột xuất. Các địa phương cũng đã tổ chức huy động ngân sách địa phương, cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ cho đối tượng hàng ngàn tỷ đồng.

Huy động nguồn lực xã hội 

Giai đoạn 2021 - 2025 được dự báo nhu cầu trợ giúp xã hội tiếp tục tăng, do đó Quyết định số 488/QĐ-TTg đặt mục tiêu 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; 90% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; 90% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 100% đối tượng trợ giúp xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, già hóa dân số nhanh... tác động làm gia tăng cả quy mô, số lượng người cần sự trợ giúp xã hội. Ước tính đến giai đoạn hiện nay có khoảng 25 - 30% dân số có nhu cầu cần sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội. Trong đó, có bộ phận không nhỏ cần trợ giúp cả vật chất và dịch vụ xã hội như người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo...  

Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng cần làm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trợ giúp xã hội nhằm từng bước mở rộng diện bao phủ chính sách, đổi mới cơ chế quản lý, huy động nguồn lực cho thực thi chính sách; tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện; đổi mới quy trình xác định đối tượng... Đồng thời, giảm bớt trình tự, thủ tục, hồ sơ và thời gian ra quyết định chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách; ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, xét duyệt và chi trả chính sách cho đối tượng thụ hưởng; tăng cường hệ thống giám sát, đánh giá. Chia sẻ về giải pháp để đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội TS. Nguyễn Văn Hồi cho biết, một trong nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách… để từ đó tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, xã hội hóa tham gia vào trợ giúp xã hội.

Hiện nay, nhằm huy động nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục đích nhằm huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hình thức quản lý cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội để phát triển công tác trợ giúp xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của đối tượng.

 

Thái Yến