Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Đổi mới giáo dục - cần sự vào cuộc của toàn xã hội

- Thứ Bảy, 31/08/2019, 09:01 - Chia sẻ
Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo PHÙNG XUÂN NHẠ cho biết, năm học 2019 - 2020 sẽ là năm “bận rộn” của ngành để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Lãnh đạo ngành giáo dục mong rằng, thầy cô giáo, bậc phụ huynh, các địa phương và toàn xã hội sẽ đồng hành và chung tay với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Vì chỉ khi có sự vào cuộc của toàn xã hội, sự nghiệp đổi mới giáo dục mới đi đến thành công.

Năm học “nước rút’

- Năm học 2019 - 2020 được coi là năm bản lề triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, công việc này đã tiến hành đến đâu và sắp tới triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Năm học 2018 - 2019 đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành giáo dục khi chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực người học chính thức được ban hành. Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu từ năm học 2020 - 2021, bắt đầu từ lớp 1.

Theo kế hoạch, trước khi vào năm học 2020 - 2021, tất cả giáo viên lớp 1 và hiệu trưởng các trường tiểu học sẽ được bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông mới và các chuyên đề (modul) cốt lõi của chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để sẵn sàng cho việc triển khai chương trình bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1. Song song với đó, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) tích cực thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương.

Về sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2020 - 2021 sẽ áp dụng chương trình mới với lớp 1 nên trước hết Bộ GD - ĐT ưu tiên chuẩn bị sách cho lớp học này. Theo đó, từ ngày 1.8, các Hội đồng quốc gia thẩm định sách lớp 1 đã làm việc tập trung với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan để chọn ra những bộ sách chất lượng, trình Bộ trưởng Bộ GD - ĐT xem xét phê duyệt, cho phép sử dụng. Dự kiến đầu tháng 10.2019, kết quả thẩm định sách giáo khoa sẽ được công bố.

- Liên quan đến vấn đề văn hóa học đường, an toàn trường học, năm học vừa qua đã có những sự việc khiến dư luận bức xúc, ngành giáo dục sẽ có những giải pháp nào để khắc phục vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

- Thời gian qua đã xảy ra một số sự việc liên quan đến an toàn trường học, cá biệt có sự việc gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù chỉ là sự việc cá biệt song cho thấy cần phải có thêm các giải pháp quyết liệt hơn nữa bảo đảm an toàn trường học. Để xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm an toàn trường học, Bộ GD - ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025; ban hành kế hoạch triển khai Đề án này. Ngoài ra, Bộ cũng đã hoàn thiện để ban hành thông tư quy định quy tắc ứng xử trong trường mầm non, phổ thông để tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử tốt hơn trong thời gian tới...

Tuy nhiên, có một thực tế là việc quán triệt những văn bản chỉ đạo tới từng cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh có lúc, có nơi còn chưa triệt để. Để khắc phục hạn chế này, thời gian tới, Bộ GD - ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các chỉ đạo của Chính phủ, của ngành giáo dục tại các địa phương, cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Hiện nay, Bộ GD - ĐT đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Trường đại học phải nắm bắt cơ hội tự chủ

- Thời gian qua, hoạt động tự chủ của các trường đại học đã có nhiều quan tâm, đặc biệt, trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã có nhiều điều khoản “cởi trói”, thúc đẩy quá trình tự chủ của các trường đại học. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường vẫn còn lúng túng. Thời gian tới, Bộ GD - ĐT sẽ có định hướng như thế nào để các trường đại học “mạnh dạn” tự chủ?

- Sau thành công của 23 trường đại học được tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, Bộ GD - ĐT đã tham mưu Chính phủ thí điểm mở rộng quyền tự chủ của 3 trường: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Công tác bảo đảm chất lượng đào tạo được chú trọng, năng lực tự chủ và trách nhiệm giải trình với xã hội của các trường đã được nâng lên. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, tập trung vào các điều kiện và quy định tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục.

Song hành với mở rộng tự chủ, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng được đẩy mạnh trong năm học vừa qua. Tính đến nay, đã có 6 cơ sở giáo dục đại học và 128 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Việt Nam lần đầu tiên có 2 trường ĐH được vào danh sách 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới là ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; 7 trường ĐH được vào danh sách các trường ĐH hàng đầu châu Á.

Có thể nói, năm học 2018 - 2019, giáo dục đại học đã có một bước tiến dài trong tiến trình thực hiện tự chủ. Với việc QH thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các nút thắt về tổ chức, nhân sự, tài chính, học thuật cơ bản đã được tháo gỡ, tạo điều kiện cho các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực như đã nêu, quá trình thực hiện tự chủ của các trường ĐH cũng bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Năng lực tự chủ còn hạn chế nên nhiều trường lúng túng, chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình và một số trường còn sai phạm. Năm học tới, Bộ GD - ĐT sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ nhưng cũng siết chặt kiểm tra, thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, trách nhiệm giải trình của các trường đại học bảo đảm quyền lợi cho người học và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Tự chủ là xu hướng tất yếu, các trường ĐH muốn phát triển cần phải tham gia vào xu hướng này. Bộ GD - ĐT với vai trò quản lý nhà nước sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tự chủ. Cùng với đó, các trường ĐH cũng phải tự nỗ lực vươn lên để nắm bắt cơ hội được tự chủ nhưng cũng phải có trách nhiệm giải trình bảo đảm phát triển bền vững của mình và quyền lợi cho người học.

- Năm học 2019 - 2020 là năm ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng muốn gửi gắm thông điệp gì?

- Năm học 2019 - 2020 là năm ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Năm học này sẽ là năm “bận rộn” của ngành giáo dục để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tôi mong rằng, mỗi thầy cô giáo hãy tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới. Tôi cũng mong rằng, mỗi bậc phụ huynh, mỗi địa phương và toàn xã hội sẽ đồng hành và chung tay với sự nghiệp đổi mới. Chỉ khi có sự vào cuộc của toàn xã hội, sự nghiệp đổi mới giáo dục mới đi đến thành công.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Cẩm Vân thực hiện