Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ 7 tại Yên Bái

Đổi mới để phát triển

- Thứ Bảy, 21/09/2019, 09:10 - Chia sẻ
Lược ghi phát biểu của ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN tại hội nghị

Kính thưa các quý vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng khi đến dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ 7 được tổ chức tại tỉnh Yên Bái. Thay mặt UBTVQH, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc các vị đại biểu, các vị khách quý tham dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí,

Việc tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, cũng như tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương 6, 7 Khóa XII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ cho QH, HĐND các cấp phải liên tục đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và hoạt động để làm tốt chức năng của cơ quan dân cử, hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Tôi hoan nghênh các tỉnh khu vực đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu lựa chọn chủ đề Hội nghị lần này là: “Đổi mới phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh” thực sự rất có ý nghĩa.

Đây là dịp để các địa phương tiếp tục thảo luận, đề xuất, kiến nghị những nội dung cụ thể, sát với thực tiễn nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của HĐND trong điều kiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIV tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì hội nghị Ảnh: Mạnh Tuân

Thưa các đồng chí,

Đổi mới là đòi hỏi luôn phải đặt ra trong cuộc sống, chỉ có đổi mới mới có thể phát triển. Đối với hệ thống cơ quan dân cử, đổi mới lại càng là đòi hỏi cấp thiết, phải bám sát vào nghị quyết của Đảng, vào thực tiễn cuộc sống, vào chức năng, nhiệm vụ của HĐND để thực hiện.

Các thảo luận hôm nay của các đồng chí về kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động TXCT và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, với các tham luận tâm huyết, sâu sắc của tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Giang; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, với phương pháp, cách làm sáng tạo, cụ thể, đi đến cùng sự việc của tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Bắc Kạn, Hòa Bình, Điện Biên; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thảo luận, chất vấn, giải trình tại kỳ họp và tại phiên họp linh hoạt, uyển chuyển nhưng cương quyết, rõ trách nhiệm, rõ thời gian của Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên. Đặc biệt là các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND -­ nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của HĐND của tỉnh Yên Bái mang tính tổng thể và khả thi cao.  Tôi đồng tình và đánh giá cao các báo cáo tham luận được trình bày tại hội nghị ngày hôm nay. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội, AN - QP ở địa phương, tôi đề nghị chúng ta cần quan tâm hơn một số vấn đề sau:

Một là, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phương thức, cách thức hoạt động của HĐND từ khâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến xem xét, thẩm tra, giám sát, đánh giá đến đưa ra nghị quyết. Muốn làm tốt công việc đó cần bám sát vào nghị quyết của Đảng, thực tiễn cuộc sống để đổi mới. Trong đó, khâu quyết định vẫn là cán bộ. Do vậy, phải quan tâm đến công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của đại biểu dân cử, nhất là khi chúng ta chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp diễn ra trong năm 2020.

Hai là, mỗi đại biểu HĐND cần dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của HĐND, nhất là đại biểu hoạt động không chuyên trách. Đồng thời, cần thực hiện đúng chương trình hành động của mình trước cử tri. Trong hoạt động, cần phát huy tính chủ động khi tiếp cận vấn đề, nghiên cứu lý luận, bám sát vào những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước; nắm bắt thực tiễn, ý kiến, kiến nghị của cử tri để có những đề xuất, giải pháp phù hợp. Trong hoạt động giám sát cần bảo đảm đúng nội dung, đúng đối tượng và đúng thời điểm; hoạt động xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cần bảo đảm kịp thời và đúng luật.

Ba là, Thường trực HĐND cần quan tâm thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND, nhất là đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu lần đầu tham gia HĐND. Tiếp tục duy trì việc tổ chức các hội nghị Thường trực HĐND ở các khu vực để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đại biểu HĐND. Đồng thời, Ban Công tác đại biểu cần tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND các địa phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của mỗi đại biểu HĐND các cấp.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt về điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu HĐND; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chế độ thi đua - khen thưởng đối với đại biểu dân cử. Đồng thời, đẩy mạnh việc cung cấp thông tin nhanh và chính xác, áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào các hoạt động của HĐND, của đại biểu HĐND.

Năm là, cần tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh bảo đảm tinh gọn và chất lượng. Hiện nay, trong điều kiện UBTVQH chưa tiến hành tổng kết được việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh, tôi đề nghị, các tỉnh đang thực hiện thí điểm tiếp tục thực hiện Nghị quyết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có đề xuất, kiến nghị giá trị từ thực tiễn với UBTVQH khi tiến hành tổng kết mô hình này. Từ đó, sẽ có đánh giá toàn diện, đề xuất ra mô hình Văn phòng giúp việc HĐND bảo đảm tính phù hợp và ổn định.

Xin trân trọng cảm ơn!

TUẤN NGUYÊN lược ghi

__________

(*) Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt