Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

- Thứ Hai, 19/08/2019, 07:59 - Chia sẻ
Mường Chà (Điện Biên) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và đầy những vất vả khó nhọc. Nhưng trong những năm qua, huyện luôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ, phát triển giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển.

Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ÐT), từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, kết thúc học năm học 2018 - 2019, ngành GD&ÐT huyện Mường Chà đã đạt nhiều kết quả tích cực. Quy mô trường lớp học tiếp tục được mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, chất lượng giáo dục được nâng lên, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu năm học.

Năm học 2018 - 2019, mạng lưới trường, lớp học duy trì ổn định, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Toàn huyện có 16 trường mầm non với 282 nhóm, lớp, 127/127 điểm bản có lớp mầm non, tỷ lệ học sinh/lớp đạt 21,5; 16 trường tiểu học với 303 lớp, 96/96 điểm bản có lớp tiểu học, tỷ lệ học sinh/lớp đạt 20.3 Hs/lớp; 12/12 xã, thị trấn có trường THCS và Trung tâm Học tập cộng đồng (HTCĐ), tỷ lệ học sinh/lớp đạt 22,8. Toàn huyện có 16.273 học sinh. Trong đó mầm non 6.070 trẻ đạt 107% kế hoạch tỉnh giao; tiểu học có 6.170 học sinh đạt 99.5% kế hoạch tỉnh giao; THCS có 4033 học sinh đạt 96% kế hoạch tỉnh giao

 Bà Cao Thị Kim Thu, Phó Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Mường Chà, chia sẻ: Phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học, Phòng GD&ÐT huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện có hiệu quả kế hoạch nhiệm vụ ngay từ đầu năm học; quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, huy động trẻ trong các độ tuổi ra lớp, vận động xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Ðồng thời, chú trọng thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non và phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông. Với chương trình giáo dục mầm non, Phòng chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo; chú trọng giáo dục lễ giáo, vệ sinh cá nhân, môi trường cho trẻ; tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Với giáo dục tiểu học tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, dạy học phân loại theo đối tượng; nâng cao chất lượng học sinh học lớp ghép, chất lượng các lớp 2 buổi/ngày; triển khai chương trình tiếng Anh, tin học tại tất cả các trường. Ðối với giáo dục THCS tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh của mỗi trường phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học; kiểm tra đánh giá, xếp loại người học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực của học sinh theo quy định.

Ðáng chú ý, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được huyện Mường Chà quan tâm thực hiện hiệu quả. Triển khai thực hiện Ðề án Phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện duy trì được các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; hơn 83% số xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, các xã còn lại đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 11/12 xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ. Toàn huyện hiện có 29 trường có học sinh bán trú với số lượng học sinh hơn 4.520 em. Các trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số, dạy tăng thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 nhằm nâng cao chất lượng đọc, viết cho học sinh. Mặt khác, các trường thực hiện đầy đủ chế độ chính sách hỗ trợ đối với học sinh, cán bộ, giáo viên các trường PTDTBT theo quy định; quản lý tốt việc ăn ở, sinh hoạt của học sinh bán trú...

Dù là địa bàn khó khăn song đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành luôn bảo đảm về số lượng, có tư tưởng chính trị vững vàng, tâm huyết, gắn bó với nghề; năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Hiện toàn ngành có 1.563 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Ngoài ra, Phòng cũng chỉ đạo các trường tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học, điều hành và quản lý giáo dục; khuyến khích giáo viên chủ động soạn giáo án, bài giảng và tài liệu giảng dạy có ứng dụng công nghệ thông tin...

Ðể chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập… phục vụ năm học mới 2019 - 2020, thời gian qua, Phòng GD&ÐT huyện đã chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể, các lực lượng đóng chân trên địa bàn và nhân dân tập trung tu sửa các phòng học tạm đã xuống cấp, xây mới một số phòng học tại các trường, điểm trường còn thiếu. Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học, tăng tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cấp học; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Anh Hiến