Đổi mới cơ chế tài chính y tế: Từ tài chính bệnh viện hay từ bảo hiểm y tế?

- Thứ Bảy, 11/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Lần đầu tiên một hội nghị bàn về vấn đề tài chính y tế với chủ đề Đổi mới cơ chế tài chính y tế - thực trạng và giải pháp đã được Bộ Y tế, Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam tổ chức để tìm giải pháp làm thế nào để hình thành được một cơ chế tài chính y tế công bằng, hiệu quả và bền vững; làm thế nào để mỗi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế...

04-tu-tai-34510-300.jpg

Đổi mới cơ chế tài chính bệnh viện

Hiện nay Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách lớn liên quan trực tiếp đến hệ thống y tế, tạo cơ chế tài chính cho y tế, góp phần tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong cơ cấu tài chính y tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, chi tiêu trực tiếp của người dân và đóng góp qua BHYT cũng đang tăng lên. Hệ thống BV công đã và đang chuyển dần qua cơ chế tự chủ tài chính… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: nhu cầu đầu tư cho y tế lớn, yêu cầu của nhân dân ngày càng cao trong khi nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế. Chính sách viện phí và cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế còn chậm đổi mới; việc triển khai BHYT còn gặp nhiều khó khăn; Việc chuyển đổi hoạt động của các cơ sở KCB chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường...

TS. Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì cho rằng, chi y tế của Việt Nam còn khiêm tốn nhưng lại có chỉ số sức khỏe cao so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đồng quan điểm này, ông Chris James – Chuyên gia tài chính y tế của Tổ chức Y tế thế giới cũng đánh giá, ngành y tế Việt Nam đã đạt được thành tích tốt hơn so với chi phí cho lĩnh vực này. Ông Chris cho rằng, khi dân số tăng, GDP tăng thì chi phí cho y tế cũng cần phải tăng theo một cách đúng mức để đảm bảo vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Về sự phát triển tài chính y tế mặc dù được đánh giá cao, nhưng theo PGS. TS Phạm Lê Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế thì việc thực hiện tự chủ tài chính bệnh viện của ngành y tế hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Đơn cử như việc đầu tư mua sắm máy móc chưa được điều phối, đôi khi quá nhu cầu cần thiết, không đồng bộ với người được đào tạo sử dụng đã gây ra lãng phí lớn. Một nghiên cứu cho thấy có  khoảng 20% thiết bị ở một số bệnh viện đa khoa cấp tỉnh không được sử dụng hết công suất... Do đó, liên quan đến tài chính BV ở Việt Nam và định hướng đổi mới, trong một nghiên cứu về vấn đề này PGS.TS Phạm Lê Tuấn và PGS.TS Phạm Trọng Thanh đã đưa ra khuyến nghị: việc đổi mới cơ chế tài chính bệnh viện cần được xem xét từ góc độ của toàn hệ thống y tế, của bệnh viện và đặc biệt là từ lợi ích của người dân; nghiên cứu xác định chủ trương đổi mới toàn diện cơ chế hoạt động của các bệnh viện công lập, đổi mới quản lý vĩ mô và áp dụng các giải pháp quản lý nhằm tránh nguy cơ lãng phí nguồn lực mua sắm và sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao; Nghiên cứu các chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ nhân viên y tế dựa vào kết quả làm việc, không gắn với “lợi nhuận” của bệnh viện.

Liên quan đến hoạt động tài chính của bệnh viện, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - chuyên gia cao cấp của Ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, mức thu của một số dịch vụ kỹ thuật tính từ năm 1995 đã không phù hợp sự trượt giá và tăng giá thành theo thời gian, nhiều dịch vụ mới thu từ 30 - 50% giá thành, một số dịch vụ còn chưa có giá. Mức thu phí chưa bù đắp chi phí trực tiếp, chưa kết cấu tiền công lao động dẫn đến khó hạch toán và đảm bảo chất lượng chữa bệnh...

BHYT sẽ thay thế viện phí?

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phạm Lê Tuấn, cần phải nhanh chóng tiến tới BHYT toàn dân, từng bước xóa bỏ phương thức chi trả theo phí dịch vụ và thực hiện các phương thức chi trả theo phí định suất và theo trường hợp bệnh để đảm bảo thực hiện mục tiêu chung của hệ thống y tế. GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cũng đồng tình với quan điểm này khi nhấn mạnh: cần phải phát triển nhanh và vững chắc BHYT, coi đây là nguồn thu chính thay thế cho thu viện phí. Còn theo TS Nguyễn Văn Tiên: dù trong quá trình thực hiện chính sách BHYT đã phát sinh một số bất cập, nhưng ngành y tế cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kiên trì thực hiện chính sách BHYT toàn dân.

Tiến tới BHYT toàn dân được coi là một trong những giải pháp để đảm bảo nguồn tài chính y tế, trong đó có tài chính của các bệnh viện, nhưng một nghiên cứu về vấn đề này công bố tại hội nghị cho thấy: do độ bao phủ BHYT còn thấp, chi tiêu cho y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn đóng vai trò chủ yếu (chiếm 52% tổng chi toàn xã hội) nên vẫn còn gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám, chữa bệnh, số hộ gia đình nghèo phải vay mượn tiền để chi trả cho điều trị nội trú chiếm tới 67%. Có đến 33% hộ dân cho rằng bệnh tật là lý do chính khiến mức sống của họ bị giảm sút, đẩy họ vào cảnh nghèo đói.

Bình Hà