Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020:

Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện

- Thứ Sáu, 12/10/2018, 14:31 - Chia sẻ
Sáng 12.10, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị Biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Toàn cảnh Hội nghị

Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng BCĐ Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh có các địa phương và hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016 – 2020.

Kết quả tích cực

Phát biểu biểu dương tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, công tác xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước quan tâm đề ra và bảo đảm các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển KT - XH của đất nước trong từng giai đoạn và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 theo chương trình Nghị sự của Liên hiệp quốc đề ra.


Ủy viên Bộ Chính trị,Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của người nghèo nên kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6.7% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 1,59%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 63,26% năm 2015 xuống còn 39,56% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 5,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quânhơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, đã có nhiều địa phương, hộ gia đình có những cách làm hay, giải pháp phù hợp nhằm tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, phát huy được thế mạnh của địa phương, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, vận động sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng nhằm tạo điều kiện thoát nghèo bền vững. Điển hình như huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn bằng nhiều giải pháp như cho vay vốn, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp và du lịch, thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao. Huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ lấy lợi thế về đồi rừng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông - lâm sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017 (giảm gần 40% so với 10 năm trước). Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay có nhiều tấm gương hộ gia đình thoát nghèo, góp phần lớn vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Có thể khẳng đinh, cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo từng bước được hoàn thiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo, từ nguồn lực đầu tư của nhà nước và cộng đồng cho giảm nghèo, diện mạo của các huyện, xã thoát nghèo, hộ gia đình thoát nghèo đã có bước thay đổi rõ nét. Ở các huyện, xã thoát nghèo, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như: Đường giao thông đến trung tâm xã, thôn bản, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn đã được tăng cường đầu tư. đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi ngày càng tăng, tỷ lệ trẻ em bỏ học ở các cấp học giảm, người nghèo được tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn;  nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho tổ nhóm người nghèo theo hướng tự quản từng bước được hình thành để khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với đặc điểm, tập quán dân cư, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường.

 Có thể khẳng định, kết quả thoát nghèo bền vững của các hộ nghèo là hiệu quả của chủ trương đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, không tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có ý chí vươn lên toát nghèo, kết quả này cũng đã góp phần ổn định, phát triển KT - XH trên từng địa bàn thôn, bản, xã, góp phần hoàn thành tiêu chí NTM ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa bàn, nhóm dân cư, thực hiện mục tiêu: “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là một trong 8 huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Dù là huyện mới thành lập, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp xây dựng như các huyện trung du, đồng bằng, cùng với đó, hệ thống hạ tầng KT - XH còn thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, huyện lấy lợi thế về đồi rừng và đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông - lâm sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017 (giảm gần 40% so với 10 năm trước). Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Nguyễn Bá Khuyến bày tỏ niềm phấn khởi trước những kết quả đã đạt được. Đồng thời, nhận thức rõ những khó khăn, thách thức mà huyện đang đối mặt như: Địa bàn rộng, địa hình bị sông suối chia cắt, nguy cơ sạt lở, lũ quét; trong khi tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thực sự bền vững; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn nhỏ lẻ; đời sống một bộ nhân dân còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao,... Do vậy, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn khẳng định, huyện cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác giảm nghèo bền vững và phát triển KT - XH. Theo đó, huyện đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư, nguồn vốn tín dụng để huyện tiếp tục có những bước phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Đại diện cho 30 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016  -2020, anh Trần Trung Kiên, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái xúc động chia sẻ: “Năm 2012, gia đình tôi chỉ có căn nhà tranh bên sông.  Hai vợ chồng tàn tật cùng với hai con nhỏ chỉ biết mưu sinh băng nghề đánh cá kiếm bữa cơm qua ngày. Đến năm 2014, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ngân hàng chính sách với số tiền 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, nuôi lợn, gà. Đến nay, nhờ chăm chỉ làm ăn, lợi nhuận từ mô hình chăn nuôi đem lại mỗi năm 120 triệu đồng. Không chỉ vậy, tôi còn được đi tham quan các mô hình kinh tế ở địa phương khác để cải tạo hàng nghìn m2 vườn tạp, phát triển kinh tế ngày một khá giả. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống ngày càng ổn định”. Anh Kiên cũng bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước và hứa sẽ tiếp tục cố gắng để là tấm gương cho các hộ nghèo khác noi theo, giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.  

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ đã biểu dương cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, biểu dương cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã có những đóng góp thiết thực để tạo nên những thành quả tốt trong công cuộc XĐGN - một phong trào mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác giảm nghèo hiện nay còn có những hạn chế như:  Tỷ lệ tái nghèo còn ở mức 5,1%/năm; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều nơi vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%; một số chính sách giảm nghèo cũng chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao….

Cần tiếp tục nỗ lực


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 huyện thoát nghèo

Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đề ra đến năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị, trong hơn 2 năm tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước; chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung giải pháp giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; tích cực rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khuyến khích tích cực đối với các địa bàn nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị nội dung tiến hành đánh giá, rà soát để khi kết thúc Chương trình vào năm 2020, BCĐ tiếp tục tổ chức Hội nghị biểu dương đối với các huyện, xã đặc biệt khó khăn, hộ gia đình điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần tạo ra được sự lan tỏa tốt tới các tập thể, hộ gia đình, cá nhân trên cả nước trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách, chương trình, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, hướng tới thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo QH đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020.


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Hội nghị đã biểu dương và khen thưởng và trao bằng khen cho 8 huyện, 21 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 30 hộ gia đình điển hình đại diện cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Bài và ảnh: ĐÀO CẢNH