Đối mặt thử thách

- Thứ Sáu, 03/04/2015, 08:24 - Chia sẻ
Trở thành Chủ tịch Hạ viện được coi là đỉnh cao sự nghiệp của bất kỳ chính khách nào ở Mỹ. Không ít nhà lãnh đạo Hạ viện đã phải đối mặt với những thử thách để giữ vững vị trí, thanh danh chính trị, trong đó, có người thành công, người không.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Henry Clay phải tự bảo vệ mình ở Hạ viện trước những lời buộc tội ông có sai phạm khi giữ chức Chủ tịch Hạ viện năm 1825. Một nghị sĩ trong bức thư được công bố trên báo đã buộc tội Clay phớt lờ thỏa thuận ủng hộ John Quincy Adams lên làm Tổng thống để đổi lấy việc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao. Clay yêu cầu Hạ viện cử một ủy ban đặc biệt để xem xét những lời buộc tội, nhưng nghị sĩ đưa ra cáo buộc không chịu xuất hiện. Hoặc là John White, người giữ chức Chủ tịch Hạ viện năm 1841 - 1843 đã bị công kích dữ dội vì lấy ý tưởng của người khác đưa vào bài phát biểu cuối cùng ông này đọc trước khi rời Hạ viện.

Một trong những vị Chủ tịch Hạ viện quyền thế nhất trong lịch sử Quốc hội Mỹ là ông Cannon cũng bị điêu đứng vào năm 1910, khi Hạ viện hầu như bãi chức ông này vì đã sử dụng quyền lực một cách thô thiển. Cannon đã sử dụng thẩm quyền Chủ tịch Hạ viện để ban thưởng cho cánh hẩu và trừng phạt đối thủ, thoải mái chi phối việc đặt ai vào ủy ban nào, dự luật nào được đưa vào chương trình, ai được quyền phát biểu. Phe đảng Dân chủ đã liên kết với các nghị sĩ nổi loạn phe Cộng hòa và đánh bại Cannon trong một cuộc tranh luận về thủ tục nghị trường thực chất là một cuộc trưng cầu ý kiến về sự lãnh đạo của ông ta. Tiếp đó, những người nổi dậy còn thúc đẩy việc thông qua một số điểm sửa đổi khiến Chủ tịch Hạ viện mất quyền phân công nhân sự vào các Ủy ban, quyền kiểm soát đối với Ủy ban Quy tắc - là Ủy ban có quyền lực lớn nhất ở Hạ viện Mỹ.

Vào năm 1971, Chủ tịch Hạ viện John McCormak đã rút lui khỏi chức vụ sau khi các phụ tá cao cấp bị buộc tội đã sử dụng chức vụ và danh nghĩa của Chủ tịch Hạ viện vào mục đích gian dối mà McCormak không hay biết. Mặc dù vậy, ở tuổi ngoài 70, lại chịu sức ép từ những nghị sĩ trẻ tuổi hơn, ông đã quyết định rời khỏi Hạ viện. Còn vào năm 1977, Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Thomas P. O’Neill phải đối mặt với những câu hỏi liên quan đến việc cáo buộc 115 nghị sĩ cả hai đảng nhận quà bất hợp pháp của các nhân viên tình báo Hàn Quốc. Một số người cho rằng trong chuyến thăm Hàn Quốc năm 1974, O’Neill đã yêu cầu doanh nhân Hàn Quốc đóng góp cho các hạ nghị sĩ. Nhưng đến tháng 7.1978 Ủy ban về tiêu chuẩn ứng xử đã tuyên bố O’Neill vô tội.

Gần đây hơn, Gingerich và Jim Wright là những ví dụ về những Chủ tịch Hạ viện gặp lao đao vì bị chỉ trích kịch liệt từ đối thủ là đã có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật thuế, đánh lừa ủy ban đạo đức. Trong khi Gingerich giữ vững ghế cũng như quyền lực của mình trong Hạ viện, trong đảng thì Wright lại không làm được thế và buộc phải thôi chức giữa nhiệm kỳ năm 1989 để tránh kỷ luật chính thức của Hạ viện. Cũng chính Gingerich đã đi đầu trong việc chỉ trích Wright nhiều năm với những lời cáo buộc vi phạm đạo đức. Nhiều người cùng chung ý kiến cho rằng, Gingerich đã góp phần tạo nên một không gian chính trị để sử dụng những lời buộc tội về đạo đức nhằm bôi nhọ đối phương, một chiến thuật mà sau đó chính các đối thủ đã sử dụng chống lại ông.

Nguyên Lâm