Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam:

Đối mặt nhiều thách thức

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:16 - Chia sẻ
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra trong Hội thảo: “Chia sẻ kinh nghiệm những hoạt động liên quan đến nước và sức khỏe trong năm 2019 và định hướng 2020” được Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam tổ chức vào sáng 12.2. Thông qua hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những vướng mắc, khó khăn cũng như kinh nghiệm có được trong quá trình thực hiện các dự án nước sạch, sức khỏe môi trường.

Các hoạt động đã triển khai

Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam được thành lập vào 18.9.2018 với 5 thành viên nòng cốt, qua quá trình phát triển, đến nay liên minh đã có 34 thành viên. Mặc dù mới thành lập trong thời gian ngắn, nhưng liên minh đã có sự phối hợp, kết nối thành công giữa một số thành viên để triển khai một số hoạt động thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề về nước sạch cho người dân tại các địa phương có điều kiện khó khăn như: xây dựng 4 trạm cấp nước đạt QCVN 06-1: 2010/BYT cho 4 điểm trường tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa có thể cung cấp nước cho 654 học sinh và giáo viên; xây dựng hệ thống cấp nước sạch phục vụ cho 100 hộ gia đình tại cụm dân cư số 5, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa; tổ chức 13 chương trình truyền thông học đường “Hành trình Đại sứ Nước” với sự tham gia của hơn 4.000 học sinh và giáo viên tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Thanh Hóa; cùng nhiều hoạt động tuyên truyền giúp người dân tại các địa phương khó khăn tiếp cận, thay đổi nhận thức cũng như hiểu rõ ràng hơn về nước sạch, nước uống học đường.


Năm 2019, Liên minh đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang trong việc hoàn thiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng và hoàn thiện nhà tiêu sinh học phục vụ các điểm dân cư tập trung tại vùng khan hiếm nước tỉnh Hà Giang”“Triển khai mô hình nước uống học đường giúp tăng cường sức khỏe cho học sinh và giáo viên một số điểm trường thuộc tỉnh Hà Giang”, đề tài đã được phê duyệt triển khai của UBND tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, liên minh đã huy động được gần 800 triệu đồng chiếm hơn 70% tổng kinh phí dự án xây dựng nhà tiêu sinh học tại tỉnh Hà Giang từ nguồn ngân sách địa phương cho giai đoạn mở rộng.

Liên minh đã phác thảo kế hoạch triển khai giai đoạn 2019-2020 với mục tiêu huy động nguồn lực, sáng kiến địa phương nhằm “Tăng cường tiếp cận nước sạch nước uống học đường cho học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số mang tính bền vững”, nơi không có khả năng tiếp cận nước sạch tập trung. Sắp tới, dự kiến sẽ triển khai Sáng kiến ở An Giang và Nghệ An.

Nhiều thách thức phải đối mặt

Theo bà Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ cho biết: Các hoạt động của các thành viên được triển khai riêng lẻ, chưa có kế hoạch chiến lược cùng phối hợp thực hiện để đạt hiệu quả tốt nhất. Năng lực còn hạn chế; cơ sở vật chất, kinh phí, khả năng huy động nguồn lực trong nước còn yếu; Sự hợp tác, kết nối giữa các tổ chức thành viên với nhau và với đối tác còn hạn chế. Chính vì những điều này dẫn tới nhiều thách thức như tài chính không ổn định, phụ thuộc viện trợ nước ngoài... là khó khăn lớn nhất cho hoạt động của nhiều tổ chức thành viên.

Theo TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN): Kinh phí được nhận từ sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài đang ngày càng hạn chế, kèm theo đó là nhiều điều kiện chặt chẽ hơn. Việc tiếp cận các nguồn kinh phí tài trợ ngày càng khó khăn hơn và cạnh tranh mạnh mẽ hơn đến từ các tổ chức khác.

Trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam đang bị ô nhiễm và suy thoái ngày càng nghiêm trọng thì việc các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức liên hiệp hội địa phương hoạt động độc lập mà không có sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền Nhà nước là vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Trung Chiến, Chuyên gia cao cấp, bác sĩ chuyên khoa 2 của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) chia sẻ: Tiếng nói của người dân, của các tổ chức dân sự chưa được chính quyền địa phương quan tâm và giải quyết. Sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức địa phương còn hạn chế, chưa thể tận dụng hết thế mạnh trong kết nối nguồn lực cũng như sáng kiến địa phương để giải quyết các vấn đề về nước. Tại các địa phương điều kiện kinh tế khó khăn gần như không có sự đầu tư của các doanh nghiệp do việc thu hồi vốn và có lợi nhuận tại các địa phương này mất rất nhiều thời gian, công sức, một phần là do chưa có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp ở các địa phương này.

Vì vậy, để các dự án nước sạch hoạt động một cách hiệu quả thì chính quyền các cấp cần rà soát lại tổng thể các cơ chế, chính sách để có giải pháp hữu hiệu hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những khó khan, vướng mắc như quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, điều kiện được hưởng cơ chế hỗ trợ, quy trình thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng thẩm quyền, thống nhất với các cơ chế chính sách hiện hành của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và dễ dàng tiếp cận với các nhà đầu tư...

Xuân Tùng