Philippines với cuộc chiến chống rác thải

Đòi lại công bằng cho môi trường

- Thứ Bảy, 01/06/2019, 08:28 - Chia sẻ
Ngày 31.5, Philippines bắt đầu gửi trả 69 container chở hàng nghìn tấn rác thải trái phép về Canada. Đây là thắng lợi đầu tiên của Manila trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ottawa kéo dài 6 năm qua, liên quan đến rác thải trái phép.

Chiến thắng bước đầu

Quản lý cảng tự do Vịnh Subic Wilma Eisma xác nhận, 69 container chứa 1.500 tấn rác đã được đưa lên tàu MV Bavaria để bắt đầu hành trình 20 ngày đi qua Đài Loan tới thành phố cảng Vancouver, Canada. Bà Eisma tuyên bố, động thái này đã chấm dứt một chương “bẩn thỉu” trong lịch sử Philippines.


Các nhà hoạt động môi trường ở Philippines biểu tình phản đối rác thải trái phép từ Canada

Việc gửi trả rác thải trái phép về Canada là hành động cương quyết của chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc chiến chống “đổ rác xuyên biên giới”, chấm dứt đối đầu ngoại giao với Canada liên quan đến vấn đề rác thải kéo dài 6 năm qua. Quan hệ hai nước trở nên căng thẳng sau khi Philippines phát hiện 103 container chở khoảng 2.400 tấn hàng từ Canada, được đăng ký dưới nhãn “nhựa tái chế” nhưng trên thực tế gồm toàn phế liệu điện tử và rác thải sinh hoạt, được vận chuyển trái phép sang Philipines năm 2013 - 2014. Theo tổ chức môi trường EcoWaste, rác thải từ ít nhất 26 container đã được chôn tại một bãi rác ở Philippines, nhưng các container còn lại chứa chất thải nguy hại được lưu trữ tại cảng. Ngoài ra, còn 69 container khác chứa rác trái phép tồn đọng tại hai cảng ở Manila và Subic.

Trước vấn nạn rác thải trái phép từ các nước phát triển đổ sang, Philippines cương quyết đòi trả lại rác về Canada, bất kể Ottawa từ chối nhận trách nhiệm về số phế liệu trên. Năm 2016, Philippines thắng kiện Canada trong tranh cãi về rác thải, khi tòa án Philippines ra phán quyết rằng 2.400 tấn phế liệu từ Canada là trái phép. Sau phán quyết trên, Chính phủ Canada không có bất kỳ động thái nào nhằm chịu trách nhiệm về số phế liệu, buộc chính quyền của Tổng thống Duterte phải tỏ thái độ cứng rắn hơn. Tranh cãi về rác thải giữa hai nước leo thang thành cuộc đối đầu ngoại giao khi Philippines trong tháng 5 đã triệu hồi Đại sứ ở Canada về nước và ra lệnh cấm tất cả quan chức, nhân viên Chính phủ thực hiện các chuyến công tác tới Canada.

Tuần trước, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna cho biết, Chính phủ đã ký hợp đồng với hãng vận tải hàng hải của Pháp Bollore Logistics để vận chuyển các container chứa phế liệu trái phép về Canada vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo bác bỏ kế hoạch này và cho biết, chính quyền Duterte sẵn sàng tìm kiếm công ty vận tải tư nhân để đẩy nhanh việc trả lại phế liệu về Canada, đồng thời sẵn sàng chia sẻ chi phí vận chuyển. Ông Panelo nêu rõ, lập trường của Tổng thống Duterte không khoan nhượng trong việc không để các quốc gia khác coi Philippines như bãi rác; đồng thời tuyên bố, sẵn sàng để rác thải phân hủy ở ngoài khơi Canada nếu nước này không nhận lại các container phế liệu.

Trước sức ép ngoại giao, Canada cuối cùng cũng chấp thuận nhận lại phế liệu trái phép do Philippine gửi trả. Ngày 30.5, Bộ trưởng Môi trường Canada mcKenna khẳng định, Canada cam kết và hợp tác chặt chẽ với Philippines trong giải quyết vấn đề rác thải. Các nhà hoạt động môi trường thuộc các tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) và Liên minh Chất thải sinh thái (EcoWaste Coalition) đã ăn mừng thắng lợi đầu tiên của Philippines trong cuộc chiến chống rác thải xuyên biên giới; đồng thời hy vọng, Philippines sẽ là lá cờ đầu ở Đông Nam Á trong cuộc chiến chống rác thải trái phép từ các nước phát triển hơn.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Năm 2018, Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập phế liệu nhựa, khiến các nước phát triển như Mỹ và phương Tây phải tìm kiếm nơi chứa số phế liệu không mong muốn này. Kết quả là, hơn 50% phế liệu nhựa từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản... “dạt” sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực ngày càng nhận thức rõ hơn hiểm họa từ rác thải điện tử và nhựa đối với môi trường. Vì vậy, nhiều quốc gia có chính sách cứng rắn trong xử lý rác thải trái phép xuyên biên giới. Thái Lan và Malaysia đã ban hành luật ngăn chặn rác thải nước ngoài cập cảng địa phương. Ngày 23.4, Chính phủ Malaysia đã công bố kết quả điều tra cho thấy, 3.000 tấn rác thải từ Anh, Mỹ, Pháp, Australia và Nhật Bản đã bị tuồn trái phép vào nước này. Bộ trưởng Môi trường Yeo Bee Bin tuyên bố, Malaysia sẽ không trở thành bãi rác của thế giới và sẽ gửi trả những nước trên ngay lập tức. Riêng trong ngày 28.5, 5 container chứa rác thải trái phép của Tây Ban Nha phát hiện ở cảng Malaysia đã được gửi trả.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống rác thải từ các nước phát triển “đổ trái phép” sang các nước đang phát triển ở Đông Nam Á vẫn tiếp diễn và không ngừng leo thang. Cuối tuần trước, Hải quan Malaysia cho biết, phát hiện 265 container chứa rác thải nhựa trái phép từ Hong Kong, Canada, Bỉ, Đức và Mỹ đã cập cảng ở Penang. Tại Indonesia, 60 container chứa phế thải độc hại từ nước ngoài vẫn đang tồn đọng tại cảng biển trên đảo Riau suốt 5 tháng qua.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạt động môi trường kêu gọi, chính phủ các nước cần có thái độ và hành động cương quyết trong cuộc chiến chống rác thải trái phép từ các nước phát triển. Các quốc gia giàu nên chịu trách nhiệm tự xử lý phế liệu của chính mình, thay vì đẩy gánh nặng này sang các nước đang phát triển, trả lại công bằng cho môi trường của các quốc gia Đông Nam Á.

Nhật An