CÀ PHÊ PHIN

Đối diện rủi ro

- Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:30 - Chia sẻ
Đối diện với một rủi ro khó lường như dịch Covid-19 thì hiển nhiên ta không nên so sánh nó với một bệnh đã quen xử lý như cúm mùa.

Chắc chắn rằng Việt Nam đang ngăn chặn dịch tốt và hiệu quả hơn phần lớn các nước ở châu Âu.

Ngày 11.3, Thủ tướng Đức cùng Bộ trưởng Bộ Y tế đã cảnh báo rằng nước Đức sẽ phải đối diện với khoảng 70% dân số bị nhiễm bệnh. Cả khán phòng rơi vào im lặng trước tuyên bố này. Mặc dù mỗi một quốc gia đều có chiến thuật riêng trong việc ngăn ngừa dịch bệnh nhưng phần lớn đều tỏ ra lúng túng. Các so sánh với bệnh cúm mùa mà nhiều nước đưa ra có lẽ đều không hợp lý bởi vì các cơ sở y tế đã quen điều trị và điều phối trang thiết bị cho bệnh cúm mùa.

Đối diện với một rủi ro khó lường như vậy thì hiển nhiên ta không nên so sánh nó với một bệnh đã quen xử lý như cúm mùa. Tỷ lệ tử vong cũng khó có thể đem ra làm con số trấn an bởi vì cho đến nay không một ai có thể chắc rằng số người mắc sẽ ít hơn số người bị cúm mùa. Cho đến nay chưa ai biết. Kể cả khi tỷ lệ tử vong của nó là 2% thì cũng có thể gây ra cái chết cho khoảng  gần một triệu người Đức nếu như cảnh báo của Thủ tướng Merkel trở thành sự thật. Rõ ràng là tỷ lệ sinh - tử không phản ánh chân thực tình huống này.

Nhiều người nói rằng người dân châu Âu coi thường bệnh này. Thì đúng là như vậy, nhưng các chính phủ châu Âu thì không coi thường nó. Cho đến nay sự lúng túng ở Ý đã dẫn đến việc cách ly cả một đất nước đã phần nào phản ánh hiện thực. Nước Ý, cha đẻ của từ “cách ly kiểm dịch” (từ “quarantine” lấy gốc từ “quaratino” có nghĩa là 40 ngày, nhằm ám chỉ tàu thuyền phải đậu ngoài cảng 40 ngày cách ly giữa dịch bệnh) phải thực hiện tự cách ly chính nó ở một quy mô chưa từng xảy ra.

Chính phủ các nước không coi nhẹ bệnh này, Đức phát hành khá nhiều tài liệu tuyên truyền cùng các đường dây nóng và trung tâm khẩn cấp khoảng 2 tuần qua. Mặc dù có khả năng vận hành chiến thuật ngừa dịch riêng và ngay cả khi sở hữu hệ thống cơ sở vật chất tốt thì cũng khó mà nói trước được điều gì bởi vì nhìn chung đây là một bệnh lạ.

Ở Việt Nam, các kế hoạch ngăn ngừa cho đến nay là quyết liệt và hiệu quả. Đây có thể coi là một nỗ lực lớn của nhà chức trách và y bác sĩ ở tuyến đầu. Nó là một cơ sở vững chắc để nhân dân tin tưởng, chấp hành theo các chỉ dẫn và cùng hợp tác để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tất nhiên, điều này gây ra một số bất tiện lùm xùm trên báo chí ở vài ca bệnh nhưng nhìn chung đó là chuyện khó tránh.

Nhiều người hỏi tôi là có sợ hay không và có nghĩ đến việc rời khỏi nước Đức hay không. Thì quả thật là có để tâm, tuy vậy, ở đâu ta cũng nên cẩn trọng và làm theo chỉ dẫn của nhà chức trách ở đó chứ không nên tháo chạy, cá nhân tôi cũng đóng bảo hiểm y tế chiếm một phần lớn trong thu nhập. Đối phó với dịch bệnh ở quy mô lớn rất cần xã hội có tổ chức. Chẳng có gì quan trọng hơn điều này. Những ai từng làm việc trong các dự án hậu thảm họa đều hiểu như vậy.

Còn tất nhiên, hiện thực có thể không bao giờ chính xác như trong suy nghĩ của bất kỳ ai, bởi vì đơn giản đây là một căn bệnh lạ và ta phải chấp nhận nó như một loại rủi ro.

Lê Quang (từ Berlin)