Peru

Đối đầu giữa Tổng thống và Quốc hội

- Thứ Tư, 02/10/2019, 08:30 - Chia sẻ
Peru đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi Tổng thống Martin Vizcarra tuyên bố giải tán Quốc hội, do phe đối lập kiểm soát. Đáp trả, cơ quan lập pháp đã quyết định đình chỉ chức vụ của Tổng thống trong 1 năm và chỉ định Tổng thống lâm thời.

Trong diễn văn đọc trên truyền hình, ông Vizcarra đã thông báo quyết định giải tán Quốc hội và triệu tập cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn vào ngày 26.1.2020. Đây là lần đầu tiên cơ quan lập pháp nước này bị giải tán kể từ năm 1992.

Tuy nhiên, Quốc hội nước này đã trả đũa bằng cách tiến hành cuộc bỏ phiếu khẩn cấp. Với 86 phiếu thuận trên tổng số 130 phiếu, phe đối lập chiếm đa số đã thông qua quyết định đình chỉ chức vụ của Tổng thống Vizcarra với lý do “thiếu năng lực”, đồng thời chỉ định nữ Phó Tổng thống Mercedes Araoz tạm thời đảm nhận vị trí này. Chủ tịch Quốc hội Peru Pedro Olaechea cho biết, ngày 5.10 tới, cơ quan này sẽ nhóm họp một lần nữa để thông qua kiến nghị miễn nhiệm chính thức đối với Tổng thống Vizcarra.

“Chúng ta đang đối mặt với một cuộc đảo chính”, nghị sĩ Jorge Del Castillo, đồng minh của phe đối lập, tuyên bố như một cách bào chữa cho “cuộc nổi dậy” của Quốc hội. “Tôi hy vọng lực lượng quân đội và cảnh sát sẽ không can dự vào những trò giả dối của cơ quan hành pháp”. Tuy nhiên, các tướng lĩnh chủ chốt của lực lượng vũ trang đã có mặt tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô Lima để tái khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối của họ đối với trật tự hợp hiến và với Tổng thống Martin Vizcarra như một thống lĩnh tối cao.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Peru bắt nguồn từ những tranh cãi chính trị kéo dài nhiều năm qua liên quan đến cách thức bổ nhiệm thẩm phán của Tòa án Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp là cơ quan pháp lý cao nhất của Peru, đang xem xét kiến nghị trả tự do cho lãnh đạo phe đối lập Keiko Fujimori, con gái của cựu Tổng thống Alberto Fujimori. Bà Keiko Fujimori bị giam giữ 11 tháng qua do liên quan đến đường dây hối lộ của công ty xây dựng khổng lồ Odebrecht của Brazil. Hiện đảng của bà Fujimori nắm thế đa số tại cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò, đảng này khó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn, nhất là theo quy định mới được thông qua năm 2018, các nghị sĩ không được quyền tái cử.

Những ngày qua ở Peru người dân đã xuống đường tuần hành nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định giải tán Quốc hội của Tổng thống. Cuộc biểu tình lớn nhất tập hợp tới 2.000 người ở Thủ đô Lima. Xuất thân là một kỹ sư, ông Vizcarra đã trở thành Tổng thống Peru năm 2018, kế nhiệm Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, người đã phải từ chức cũng vì bê bối tham nhũng liên quan đến công ty Odebrecht.

Quỳnh Vũ