Doanh nhân là người lính thời bình

- Thứ Ba, 13/10/2009, 00:00 - Chia sẻ
Bộ Chính trị đã giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) soạn thảo dự thảo Nghị quyết về doanh nhân. Điều này khẳng định, Đảng và Nhà nước ngày càng đánh giá cao vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trao đổi về vấn đề này, CHỦ TỊCH (CT) PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (VCCI) VŨ TIẾN LỘC khẳng định: Ngày nay, doanh nhân chính là những người lính thời bình, và đây cũng là chủ đề của ngày doanh nhân năm nay, ngày 13.10.

PV: Mới đây, Bộ Chính trị đã quyết định về việc xây dựng một Nghị quyết về doanh nhân. Hẳn đây là tin vui, thể hiện niềm tin và sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam, thưa Chủ tịch?

CT VŨ TIẾN LỘC: Chủ đề ngày doanh nhân Việt Nam năm nay là “Doanh nhân là người lính thời bình”. Chủ đề này xuất phát từ một tin vui với doanh nhân là Bộ Chính trị đã giao cho VCCI nhiệm vụ chuẩn bị để trình lên Bộ Chính trị dự thảo Nghị quyết về phát huy vai trò của doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên con đường xây dựng kinh tế đất nước, hội nhập quốc tế trong thời bình, doanh nhân chính là chiến sỹ xung kích, là người lính trong thời bình, trên mặt trận xây dựng kinh tế. Đây chính là cái gốc để chọn chủ đề ngày doanh nhân Việt Nam năm nay.

PV: Việc xây dựng Nghị quyết về doanh nhân, Đảng và Nhà nước muốn khẳng định vai trò quan trọng của doanh nhân trong việc phát triển KT-XH đất nước. Vậy theo tinh thần của dự thảo Nghị quyết thì doanh nhân sẽ thực hiện các mục tiêu vĩ mô của đất nước ở những khía cạnh nào?

CT VŨ TIẾN LỘC: Trong bất cứ xã hội nào, hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ nhất là doanh nghiệp. Doanh nhân chính là người tổ chức và điều hành doanh nghiệp. Doanh nhân là những người huy động nguồn vốn xã hội để sản xuất kinh doanh, huy động lực lượng xã hội để sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Doanh nhân cũng là lực lượng quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội. Đơn cử, để trợ giúp cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vấn đề quan trọng không phải chỉ là tạo quỹ giúp đỡ, mà còn là tạo việc làm và thu nhập cho người nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo tham gia vào quá trình phát triển. Người nghèo có thu nhập từ chính sức lao động sẽ thoát nghèo bền vững hơn. Cha ông ta thường nói: hỗ trợ người nghèo cần đưa cho họ “cần câu” hơn là đưa cho họ “con cá”. Chính doanh nghiệp đã thực hiện được điều đó thông qua phát triển mạnh mẽ mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, giúp giải quyết lượng lớn lao động khu vực nông thôn.

Tinh thần “Lá lành đùm lá rách” là truyền thống của người Việt Nam, và các doanh nghiệp trong nước cũng thấm đượm tinh thần này. Sự chia sẻ khó khăn, vướng mắc là đức tính quý. Phần lớn trong thời gian qua, các doanh nghiệp thực hiện tốt điều này bằng cả tình cảm và kinh tế. Việc các doanh nghiệp hỗ trợ người dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa cũng chính là tạo ra một thị trường mới cho doanh nghiệp, tạo dựng hình ảnh đẹp, tiếng tăm cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã đi đầu trong hỗ trợ người nghèo ngay  cả trong những thời điểm doanh nghiệp khó khăn nhất. Tôi đã gặp những doanh nhân nước ngoài, họ đã theo dõi những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam vì mục tiêu xã hội và giảm nghèo, và đánh giá rất cao nghĩa cử này. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước hiện nay luôn đưa ra mục hỗ trợ xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau trong kế hoạch chi tiêu. Đây là nét đẹp cần phát huy của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

PV: Nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2008 đến nửa đầu năm 2009, kinh tế đất nước chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn, có doanh nghiệp phá sản, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp trụ vững, vươn lên khẳng định mình qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường. Có quan điểm cho rằng, ở một mức độ nhất định, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam cần được nhìn nhận từ thực tế này?

CT VŨ TIẾN LỘC: Nền kinh tế đất nước và các doanh nghiệp nội đã ứng phó khá tốt với những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới. Bằng chứng rõ nhất là nhịp độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ở con số dương, phần lớn các doanh nghiệp vẫn trụ vững và phát triển, trong khi trước đó có nhiều dự đoán cho rằng hàng loạt các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ lâm vào tình trạng phá sản. Ngay trong khoảng thời gian tưởng như khó khăn nhất, thì một số báo cáo vẫn cho thấy có hơn 76.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Điều này cho thấy sức sống, sức chịu đựng, sức dẻo dai và sự linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam rất cao. Chính sự dẻo dai đó đã giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong bối cảnh khó khăn.

PV: Trong khó khăn, những ưu điểm, tiềm năng, thế mạnh, năng lực thực  thụ và cả những tồn tại, khiếm khuyết cũng được bộc lộ. Những đánh giá như: doanh nhân Việt Nam vẫn thiếu tính liên kết và thiếu tính chuyên nghiệp… có đúng với thực tế không, thưa Chủ tịch?

CT VŨ TIẾN LỘC: Trong tương quan so sánh với quốc tế, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa lực lượng doanh nhân Việt Nam với doanh nhân quốc tế. Điểm then chốt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta còn thấp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, trình độ quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp, và tính liên kết còn yếu. Trong giai đoạn suy giảm kinh tế vừa qua, ngoài những ưu điểm, nội tại các doanh nghiệp trong nước cũng bộc lộ những điểm yếu. Tuy đã trụ được qua cuộc khủng hoảng, nhưng đòi hỏi cao hơn là phải trụ vững và chuyển đổi cơ cấu, tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh - Rất nhiều doanh nghiệp chưa làm được điều này. Qua giai đoạn vừa qua, cơ cấu của nền kinh tế và cơ cấu doanh nghiệp chưa chuyển đổi được nhiều. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư một cách quy mô và đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị. Đó là thách thức lớn với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt của giai đoạn hậu khủng hoảng.

PV: Tái cấu trúc là điều mà rất nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ, nhưng vấn đề là làm như thế nào, bắt đầu từ đâu thì không phải doanh nghiệp nào cũng biết. Đa phần các doanh nghiệp vẫn loay hoay, ngay cả các doanh nghiệp Nhà nước lớn…?

CT VŨ TIẾN LỘC: Điều kiện quan trọng nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể thúc đẩy doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, đó chính là việc cải thiện môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước hết, môi trường, thể chế chính sách cần minh bạch, bình đẳng, cải cách hành chính cần quyết liệt hơn, đầu tư của Chính phủ vào cải thiện cơ sở hạ tầng và việc nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực cần được đẩy mạnh hơn. Bản thân các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng hơn những cơ hội và thách thức của mình. Đồng thời cần quan tâm đến việc học hỏi để nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, củng cố và xây dựng nền tảng của doanh nghiệp, nắm bắt tốt hơn thông tin từ thị trường và từ nền kinh tế để tiến hành sản xuất kinh doanh trên cở sở kiến thức và trình độ quản trị doanh nghiệp.

PV: Cùng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh để khẳng định mình trên trường quốc tế, các doanh nghiệp trong nước còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường nội địa. Áp lực đến từ nhiều phía. Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Bộ Chính trị đang phát động là một tác động hỗ trợ tích cực, có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp nội địa. Theo Chủ tịch, cơ hội này, và cả những cơ hội tương tự, các doanh nghiệp nội có tận dụng được hết hay không?

CT VŨ TIẾN LỘC: Lẽ ra doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu nhất nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, trên cơ sở đó tạo ra hàng hóa, dịch vụ tốt nhất, phù hợp nhất. Nhưng trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng thị trường nội địa, mà chủ yếu hướng đến xuất khẩu, nên chưa bền vững. Khi khó khăn trên thị trường quốc tế, điều này ngay lập tức bộc lộ. Thị trường nội địa cần được khai thác triệt để dựa trên những lợi thế sẵn có, đặc biệt là các chương trình, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo tôi, trong thâm tâm, nhân dân cả nước rất muốn ủng hộ doanh nghiệp nội, sản phẩm nội. Vấn đề là doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu, sự tin tưởng và tình cảm của người tiêu dùng trong nước; các sản phẩm đó phải có chất lượng, giá cả cạnh tranh với các hàng hóa tương tự của các nước trên thế giới, đặc biệt là của những nước lân cận.

PV: Xin cám ơn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam!

Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu là hình thức tôn vinh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động theo pháp luật Việt Nam, có thành tích xuất sắc trên mọi hoạt động liên quan đến xây dựng, phát triển doanh nghiệp, đóng góp cho kinh tế xã hội của đất nước và nâng cao đời sống người lao động. 

Năm 2009 có 100 doanh nhân tiêu biểu, đại diện cho gần 300.000 doanh nghiệp trong cả nước, là số lượng doanh nhân nhiều nhất trong lịch sử phát triển kinh tế đất nước. Dù có đến 75% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, song nước ta đã có những doanh nhân đưa doanh nghiệp phát triển lên quy mô lớn xứng tầm khu vực và quốc tế, thành công ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Con đường tiến tới những thành tựu như hôm nay của một số doanh nhân đã khẳng định sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đa số doanh nhân Việt Nam còn rất trẻ, khoảng 80% doanh nhân có tuổi đời dưới 45 tuổi - độ tuổi được đánh giá là ở vào “độ chín”, năng động, dám nghĩ dám làm, có chí tiến thủ, luôn tôn trọng pháp luật trong kinh doanh, sống có trách nhiệm với cộng đồng, có tinh thần tự tôn dân tộc, luôn mong muốn phát triển và đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

VŨ DŨNG thực hiện