Doanh nghiệp nhỏ và cú sốc Covid

- Thứ Năm, 16/07/2020, 08:49 - Chia sẻ
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, những doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ khó khăn bội phần, bên bờ vực của sự sống và cái chết. Đây là điều dễ dàng nhận thấy khi phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo dữ liệu của Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020 do Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 4 vừa qua.

Cụ thể, xét theo quy mô, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đến năm 2018 chiếm 93% tổng số doanh nghiệp. Tỷ lệ này bình quân giai đoạn 2011 - 2015 và 2015 - 2018 không thay đổi. Chỉ có điều, doanh nghiệp siêu nhỏ tăng thêm 3 điểm phần trăm, từ 60% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 63% bình quân giai đoạn 2016 - 2018; trong khi số doanh nghiệp nhỏ giảm 3 điểm phần trăm từ 33% xuống 30%.

Tuy doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93% tổng số doanh nghiệp nhưng vốn chỉ chiếm khoảng 22% trong tổng số vốn của doanh nghiệp và tỷ lệ này hầu như không thay đổi đáng kể trong cả giai đoạn 2011 - 2018. Dữ liệu phần nào cho thấy doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ luôn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn. 

Đặc biệt, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trong cả giai đoạn 2011 - 2018 luôn âm.

Từ đây có thể rút ra một số nhận định. Đầu tiên, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ là những doanh nghiệp rất khó khăn, luôn kề cận bên bờ vực giải thể hoặc phá sản kể cả khi không có đại dịch. Trong đại dịch, họ càng khốn khó hơn, dễ rơi vào “cửa tử” hơn và chính sách hỗ trợ như giãn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 93% doanh nghiệp loại này là không có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ thường cũng khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng do kết quả sản xuất kinh doanh lỗ hoặc lợi nhuận thấp, ngoài ra còn vấn đề về tài sản thế chấp.

Một vấn đề nữa liên quan đến số liệu thống kê trong điều tra doanh nghiệp, cơ quan thống kê sử dụng báo cáo trước hoặc sau khi cơ quan thuế quyết toán. Thông thường, sau khi quyết toán, cán bộ thuế thường không chấp nhận một số chi phí là hợp lệ. Như vậy, hầu hết doanh nghiệp trong báo cáo bước 1 lợi nhuận trước thuế là âm nhưng sau khi quyết toán lại là dương và doanh nghiệp bị truy thu phần thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh sau quyết toán. Đây có thể là lý do cơ bản tại sao các hộ kinh doanh cá thể không muốn trở thành doanh nghiệp mặc dù “oai” hơn.

Hậu Covid-19, Chính phủ đã ban hành rất nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả một cuộc khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng thực hiện trong tháng 4.2020, cho thấy nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ “dẫn đầu” về tỷ lệ doanh nghiệp không biết đến Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (12,1%). Doanh nghiệp loại này cũng có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ thấp nhất (chỉ đạt 2,1%).

Trên thực tế, không nói ra thì ai cũng biết, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chịu bất lợi về ưu đãi vốn và đất đai so với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp ngoại đã đành, họ còn là đối tượng dễ bị nhũng nhiễu bởi tham nhũng vặt, dễ bị các đoàn thanh tra đến “thăm hỏi” làm khó.

Giờ đây, lay lắt trước cú sốc Covid-19, càng lâu được tiếp cận các gói hỗ trợ, sức chống đỡ của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ càng yếu ớt. Ai sẽ cứu họ?

TS. Bùi Trinh