Giá thịt lợn vẫn cao ngất

Doanh nghiệp lớn đang bắt tay làm giá?

- Thứ Tư, 19/02/2020, 10:31 - Chia sẻ
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá thịt lợn hơi xuống 75.000 đồng/kg. Tuy vậy, giá thịt lợn trên thị trường vẫn khá cao, dường như không giảm đáng kể. Liệu có dấu hiệu doanh nghiệp bắt tay nhau “neo” giá?

Giá nhiều loại thịt lợn trên 200.000 đồng/kg

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội trưa ngày 18.2 cho thấy, giá thịt lợn vẫn khá cao, phổ biến mức 170 - 200.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt lợn của Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội giá 59.900 - 227.000 đồng/kg tùy loại, trong đó thịt nạc thăn 179.000 đồng/kg, ba chỉ 193.000 đồng/kg, cao nhất là sụn sườn non 227.000 đồng/kg. Thịt lợn Meat Deli từ 129.900  - 259.000 đồng/kg, trong đó nạc đùi 178.900 đồng/kg, thịt xay 179.900 đồng/kg, thịt ba chỉ 239.900 đồng/kg…

Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng giá thịt lợn hiện nay “rất có vấn đề”.  Theo ông, có 2 nguyên nhân khiến giá thịt lợn vẫn cao dù một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (CP) và Công ty CP Tập đoàn Dabaco đã giảm giá. Thứ nhất, Dabaco và CP bán lợn cho thương lái chứ không trực tiếp bán cho người bán lẻ. Thương lái chỉ giảm giá một nửa, còn một nửa “đút túi”. Vì thế, siêu thị và tiểu thương vẫn “kìm giá” với lý do phải mua thịt qua trung gian. Thứ hai, có những siêu thị khi đưa thịt lợn vào sẽ cộng vào chiết khấu 20 - 30%, góp phần đẩy giá lên. Đó là việc hưởng lợi bất hợp lý của khâu trung gian và bán lẻ.


Cần kiểm toán doanh nghiệp để đưa ra yêu cầu giảm giá thịt lợn hợp lý
Ảnh: Đan Thanh

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, giá thịt lợn hơi đã giảm song giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn còn cao, giảm không đáng kể so với trước và trong Tết - phần lớn vẫn là do yếu tố thị trường quyết định. Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi khiến cung không đủ cầu, dù đã nhập khẩu lượng lớn thịt lợn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hiện, dịch đã được khống chế, song chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khuyến cáo người chăn nuôi phải rất thận trọng trong việc tái đàn nên nguồn cung tiếp tục thiếu hụt. Tuy cơ quan quản lý yêu cầu giảm giá nhưng chuỗi cung thịt lợn phải qua khâu trung gian khiến giá vẫn bị đẩy lên.

Cần kiểm toán doanh nghiệp

Một câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp bắt tay làm giá hay không?

Trong số liệu thống kê, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn trên cả nước có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Tại thời điểm tháng 4.2019, cả nước có 2.962.573 hộ nuôi lợn thì có tới 2.947.110 hộ nuôi có quy mô từ 1.000 con trở xuống, chỉ có 15.463 hộ nuôi có quy mô từ 1.000 con trở lên. Tỷ lệ hộ nuôi có quy mô lớn chỉ chiếm 0,5% trên tổng số. Hộ nuôi quy mô lớn nhất mang tính chất công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ là Công ty CP Việt Nam cũng chiếm chưa tới 9% trong tổng số đàn lợn cả nước. Do vậy, rất ít khả năng có hộ/doanh nghiệp chăn nuôi lợn có đủ sức mạnh để kiểm soát hay lũng đoạn giá trên thị trường lợn hơi.

Mặt khác, thực tế cho thấy sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ phân tán, đồng thời một số lượng lớn các hộ/doanh nghiệp chăn nuôi cung cấp lợn hơi, các hộ/cơ sở/doanh nghiệp giết mổ và/hoặc cung cấp sản phẩm thành phẩm (thịt lợn) phân tán trên phạm vi cả nước nên khó có điều kiện để hình thành hành vi thỏa thuận ấn định giá một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng giá thịt lợn trên thị trường tăng cao do hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh (lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc/và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) của một số hộ/doanh nghiệp chăn nuôi cung cấp lợn hơi, hoặc/và các hộ/cơ sở/doanh nghiệp giết mổ và/hoặc cung cấp sản phẩm thành phẩm (thịt lợn) thực hiện.

Để xác định hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh cần chủ động, nhanh chóng làm việc với một số chủ thể/doanh nghiệp trên thị trường và một số địa phương trọng điểm để tìm hiểu, thu thập, xác minh thông tin và phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Theo ông Vũ Vinh Phú, có nhiều dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp lớn bắt tay nhau “làm giá” thịt lợn. Ông phân tích, giá thành sản xuất khi có dịch chỉ khoảng trên 40.000 đồng/kg. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu giảm giá thịt lợn hơi xuống 75.000 đồng/kg “vẫn là rất cao”. “Đáng ra doanh nghiệp phải giảm xuống 60.000 - 65.000 đồng/kg theo lộ trình giảm giá mà Chính phủ yêu cầu trong tháng 2 và 3.2020, vẫn bảo đảm có lãi, nhưng họ không làm. Họ chỉ làm khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội - PV) yêu cầu. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu rõ phải giảm xuống 75.000 đồng thì họ mới giảm xuống ngần ấy. “Rõ ràng, có dấu hiệu doanh nghiệp lớn bắt tay “neo” giá khi không chủ động giảm giá và có yêu cầu từ phía Nhà nước thì cùng nhau giảm. Đó là điều rất đáng phê phán!”, ông Phú nói.

Một điều khiến ông Phú cảm thấy khó chấp nhận là một số tập đoàn công bố trong đợt vừa rồi lãi hơn 200 tỷ đồng, trong bối cảnh giá thịt lợn vẫn cao. Đây rõ ràng là hành vi “không có tính chia sẻ” với cộng đồng, khi trước đó, giá thịt lợn hơi xuống khoảng 20.000 đồng/kg thì ngành chăn nuôi đề nghị được “giải cứu”. “Nghiên cứu tình hình trong suốt thời gian qua, tôi không lạ gì cách làm của mấy “ông lớn” (trong ngành chăn nuôi)”, ông Phú khẳng định. Từ những phân tích trên, vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần phải kê khai giá. Đồng thời, cơ quan quản lý cần kiểm toán các doanh nghiệp này, để xem mức giá bán ra có hợp lý không? Chỉ khi có kiểm toán, làm rõ các vấn đề về giá thì mới đưa ra yêu cầu buộc doanh nghiệp phải giảm xuống một cách hợp lý, có cơ sở.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, do giá thịt lợn không có tính thống nhất chung trong cả nước, giá ở Hà Nội chắc chắn khác giá ở Lào Cai, Bắc Giang… Do vậy, ông cho rằng cơ quan quản lý cần hết sức thận trọng, xem xét đánh giá đúng thực tế. Bởi rất có thể, trong cục bộ địa phương có tình trạng doanh nghiệp bắt tay nhau làm giá, cạnh tranh không lành mạnh

Đan Thanh