Đoàn giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy làm việc với Chính phủ

- Thứ Hai, 08/07/2019, 14:51 - Chia sẻ
Sáng 8.7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH, Đại tướng, Trưởng đoàn giám sát Đỗ Bá Tỵ, Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018 đã làm việc với Chính phủ.

Tham dự cuộc làm việc có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Võ Trọng Việt; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Nga; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông - Vận tải, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.


Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng, Trưởng đoàn giám sát Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại buổi làm việc

Theo Báo cáo của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày, từ tháng 7.2014 đến năm 2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 6.500 tỷ đồng và 6.400 ha rừng. Đặc biệt, những ngày qua đã xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng, trên diện rộng, gây đe dọa an toàn khu dân cư, công trình công cộng và đường dây truyền tải điện quốc gia.

Trước tình hình trên, dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng, ngừa, ngăn chặn cháy đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Lực lượng PCCC đã duy trì tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu, với số vụ cháy được dập tắt kịp thời không để xảy ra cháy lớn chiếm tới 99%. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người trong đám cháy. Các vụ cháy lớn đều có sự tham gia, chỉ huy của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Đi đôi với công tác chữa cháy, lực lượng cảnh sát PCCC đã trực tiếp thực hiện 8.300 vụ cứu nạn, cứu hộ, trực tiếp cứu được trên 4.600 người.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng thừa nhận công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tại một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, triệt để, còn mang tính hình thức; chưa chú trọng, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện. Tình trạng vi phạm quy định về điều kiện an toàn PCCC còn diễn ra khá phổ biến, nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, thiếu kiên quyết. Trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, cơ sở trong việc bảo đảm điều kiện an toàn PCCC chưa cao…

Khẳng định Báo cáo của Chính phủ đã cơ bản bám sát Đề cương gợi ý của Đoàn giám sát. Các nội dung báo cáo rõ ràng, số liệu minh chứng cụ thể, Song, Đoàn giám sát của QH cũng chỉ rõ báo cáo chưa đánh giá hết vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC theo chức năng, nhiệm vụ đối với một số nội dung cũng như những tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo.

Mặt khác, báo cáo cũng chưa thể hiện được những giải pháp hữu hiệu có tính quyết định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là tồn tại, hạn chế có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện, chính sách pháp luật về PCCC, hoặc những nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25.6.2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC nói riêng và chính sách pháp luật về Luật Phòng cháy, chữa cháy, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu

Qua lắng nghe ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Đoàn giám sát và sớm triển khai khai các biện pháp khắc phục những hạn chế, bất cập mà Đoàn đã nêu.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Báo cáo của Chính phủ đã cơ bản bám sát nội dung đề cương, tuy nhiên vẫn cần đánh giá thêm về nguyên nhân, nguồn gốc dẫn đến cháy, nổ, để có giải pháp phù hợp. Chính phủ cần lựa chọn 50 vụ cháy nghiêm trọng nhất trong thời gian qua để phân tích, đánh giá chỉ rõ giải pháp khắc phục và địa chỉ trách nhiệm.

Phó Chủ tịch QH cho biết, thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là mùa hè sẽ nóng và khô hơn; hệ thống, mạng lưới điện cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng; hệ thống kho, xăng dầu, các phương tiện giao thông, đường bộ, đường thủy quy mô ngày càng lớn… khiến nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn cao, đạt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác PCCC.

Phó Chủ tịch QH đề nghị, Chính phủ cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao. Coi việc chấp hành các quy định về PCCC là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, điều hành quản lý của các cơ quan, đơn vị. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý để xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Về công tác phòng, chống cháy rừng - nội dung đang được đặc biệt quan tâm - Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và có giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Hoàng Ngọc