Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc tại Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng

- Thứ Năm, 01/08/2019, 18:43 - Chia sẻ
Ngày 1.8, tại TP Đà Nẵng, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp do Phó Chủ nhiệm UB Triệu Thế Hùng làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc tại Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng.

Cùng dự có ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, Phú Thọ…

Báo cáo Đoàn giám sát, Ban giám hiệu nhà trường cho biết, giai đoạn 2015 - 2018, tổng quy mô đào tạo của trường ổn định ở mức 2.600-2.700 học viên. Về công tác tuyển sinh, trường đã xây dựng đề án tuyển sinh, quảng bá tuyển sinh trên website của trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia tư vấn tuyển sinh tại Hội chợ tuyển sinh và giới thiệu việc làm do Đà Nẵng tổ chức. Hiện trường đã thành lập Trung tâm Tư vấn và giới thiệu việc làm, tham mưu công tác phối hợp với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng làm việc tại Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác tuyển sinh hệ chính quy vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do học sinh sau tốt nghiệp có nhiều cơ hội vào học đại học. Việc liên kết, phối hợp đào tạo với doanh nghiệp gặp khó khăn. Đối với trường tư thục với nguồn thu chủ yếu từ học phí tại các thành phố lớn, quy định về diện tích phòng học lý thuyết, phòng thực hành đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5m2/chỗ học là rất khó đáp ứng yêu cầu. Quy định về số lượng tối đa 35 học sinh sinh viên một lớp lý thuyết, 18 học sinh sinh viên một lớp thực hành chưa phù hợp đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội nhân văn, kinh doanh và quản lý. Đối với đăng ký mở ngành đào tạo mới, những quy định về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất gây nhiều khó khăn cho các trường.

Ban giám hiệu nhà trường kiến nghị QH sớm hoàn thiện, xây dựng chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo cho mô hình đào tạo nghề phát triển. Hiện tại, công tác tuyển sinh hệ chính quy gặp nhiều khó khăn do tâm lý học sinh sau tốt nghiệp PTTH thích vào đại học hơn học nghề dù trung ương đã có chủ trương phân luồng. Trường đề xuất trung ương có chính sách, cơ chế tạo điều kiện các trường cao đẳng tư thục được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Là đơn vị đào tạo có uy tín về Điều dưỡng và Dược, đề nghị Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện để trường được đào tạo nghề trọng điểm cấp quốc gia đối với ngành dược và cấp khu vực ASEAN đối với ngành Điều dưỡng.

Phát biểu tại buổi làm việc, một số thành viên trong Đoàn cho rằng, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhà trường phải năng động hơn nữa, phải nắm bắt kịp nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp để đào tạo những gì xã hội, doanh nghiệp cần, đồng thời tận dụng thị trường và cơ sở vật chất của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho học viên. Có ý kiến khác gợi ý trường nên tập trung cho hợp tác quốc tế, bởi những ngành nghề mũi nhọn của trường, như nhân viên liên quan đến sức khỏe, làm đẹp có “đất diễn” khá rộng trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Số ý kiến khác đề nghị, với bề dày truyền thống 20 năm của nhà trường, Hội đồng và ban giám hiệu nhà trường cần tìm cách giữ chân đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng đã tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến chất lượng cũng như kiến nghị về những tồn tại, khó khăn của trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo QH và đề nghị UBND TP Đà Nẵng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sớm giải quyết những kiến nghị xác đáng để các trường cao đẳng nghề nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chung cho nền kinh tế, cho TP Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực.

Tin, ảnh: NAM ANH