Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm nghèo bền vững họp Phiên thứ hai

- Thứ Ba, 09/04/2019, 19:48 - Chia sẻ
Chiều 9.4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 đã họp Phiên thứ hai. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến chủ trì Phiên họp.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Lâm Thành và các thành viên Đoàn giám sát.

Đoàn công tác số 1 do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến làm Trưởng đoàn, đã triển khai giám sát tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum. Theo dự thảo kết quả giám sát ở 4 tỉnh, các chính sách đầu tư phát triển KT - XH, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở vật chất trên địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Hệ thống đường giao thông được cải thiện đáng kể, xóa bỏ phần lớn các trường tạm, lớp tạm, tạo điều kiện huy động trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường, góp phần hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở các xã vùng sâu, vùng xa. Các công trình thủy lợi đã góp phần tăng năng lực tưới tiêu, giúp đồng bào có đất canh tác, trồng cấy các loại cây công, nông nghiệp, cây ăn quả, tăng sản lượng lương thực hàng hóa…

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, kết quả giảm nghèo còn thiếu tính bền vững, số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh ở một số nơi còn cao ở các tỉnh; tỷ lệ hộ cận nghèo có xu hướng gia tăng. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền. Nhiều chỉ số về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản qua các năm có giảm nhưng có chỉ số thiếu hụt lại tăng và ở mức độ cao, nhất là các chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến chủ trì Phiên họp

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn công tác số 2 do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn. Theo đó, Đoàn đã làm việc tại các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, An Giang và Trà Vinh và nhận thấy, giảm nghèo là mục tiêu chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ quá trình hoạch định chính sách đến tổ chức thực hiện đều thể hiện quyết tâm chính trị và sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật giảm nghèo tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng nhận thức của cán bộ đến người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự chuyển biến, vẫn còn một số hộ nghèo chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong giảm nghèo…

Đoàn công tác số 3 do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành làm Trưởng đoàn, đã làm việc tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Lạng Sơn. Có thể thấy, các tỉnh đều tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Cùng với nguồn vốn Trung ương, các tỉnh cũng tổ chức lồng ghép các chương trình, trích ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để tăng hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh qua các năm đều giảm mạnh; cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt… ở vùng dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo giữa các địa phương chưa đồng đều, tính bền vững chưa cao. Công tác chỉ đạo, điều hành chương trình giảm nghèo bền vững ở cơ sở chưa thực sự đồng bộ và quyết liệt; trong bình xét còn nể nang. Việc dạy nghề, tạo việc làm ổn định lâu dài cho đồng bào dân tộc hiệu quả chưa cao.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, dự thảo báo cáo của 3 đoàn công tác đã đánh giá khá chi tiết tình hình giảm nghèo bền vững. Các địa phương đã triển khai thực hiện chu đáo, đưa chính sách, pháp luật về giảm nghèo đi vào cuộc sống của người dân. Một số ý kiến cho rằng, mỗi đoàn công tác nên đánh giá kỹ hơn nguyên nhân dẫn đến cái nghèo. Các cán bộ xã, thôn, bản chưa hướng dẫn tận tình cho người dân thoát nghèo trên cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật mà Nhà nước đã hỗ trợ một cách hiệu quả.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến đề nghị tổ giúp việc cần rà soát lại việc các địa phương gửi báo cáo bổ sung, đồng thời, từng Đoàn công tác phải tiếp tục đôn đốc, hoàn thiện báo cáo, làm rõ tính khác biệt của từng vùng miền trong giảm nghèo, như giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi Tây Bắc phải khác Tây Nguyên. Làm rõ thêm đánh giá tác động của chính sách. Báo cáo chung của Đoàn giám sát nên được xây dựng một cách cô đọng hơn, chỉ rõ những vấn đề bất cập đang nổi lên trong công tác tổ chức thực hiện, nguồn lực đầu tư thế nào, mỗi đánh giá cần có số liệu minh chứng kèm theo. Thống kê, rà soát chính sách chung đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi với chính sách giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi có gì khác nhau không, có chính sách nào còn chồng chéo, trùng lắp không.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc