Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại làm việc tại Bến Tre

- Thứ Năm, 29/08/2019, 11:47 - Chia sẻ
Ngày 29.8, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại do Phó Chủ nhiệm UB Nguyễn Sỹ Cương làm Trưởng đoàn đã đến làm việc tại Bến Tre về: “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên”.

Báo cáo với đoàn, đại diện UBND tỉnh Bến Tre cho biết, khoảng 10 năm gần đây các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao mưa trái mùa, bãoxuất hiện nhiều hơn và diễn biến khó lường, triều cường lên cao bất thường gây tràn, sạt lở các tuyến đê bao. Mặt khác, tình hình thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt do nước biển dâng, khô hạn kéo dài làm xâm nhập mặn ngày càng đi sâu vào nội đồng. Tác hại của biến đổi khí hậu tác động đếnBến Tre rõ rệt nhất là vào năm 2016, hiện tượng El Nino gây khô hạn kéo dài, kết hợp tình trạng khan hiếm nước từ thượng nguồn sông Mekong làm nước mặn từ biển xâm nhập sâu cách các cửa sông 60km. Điều này khiến Bến Trephải hứng chịu sự cố thiên tai nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm qua, thiệt hại ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 104 điểm sạt lở bờ sông, 8 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 19,4km.


Quang cảnh buổi làm việc tại Bến Tre

Bến Tre đã có nhiều văn kiện, thỏa thuận, hợp đồng, dự án với các đối tác nước ngoài nhằm triển khai Các điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, tiêu biểu là biên bản ghi nhớ giữa Văn phòng Đại sứ quán Đan Mạch và tỉnh Bến Tre thuộc chương trình thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bến Tre và Rumani;thỏa thuận hợp tác ngày 1.3.2019 giữa UBND tỉnh Bến Tre và Viện nghiên cứu, phát triển quốc gia đồng bằng sông Đa Nuýp, khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Đa Nuýp.

Qua việc thực hiện Các điều ước quốc tế vế ứng phó biến đổi khí hậu, bước đầu nhân dân và cán bộ tỉnh Bến Tre đã được nâng cao hiểu biết và ý thức về bảo vệ môi trường, sáng tạo và nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng tiếp cận được các công nghệ  tiên tiến của thế giới, mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời tròn cấp nước nông thôn, công nghệ nuôi tôm của Đan Mạch, quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn của Hà Lan, nuôi tôm sinh thái được hỗ trợ của IUCN, quản lý nước của JICA Nhật Bản,... Tỉnh cũng đã tiếp cận được với nguồn hỗ trợ tài chính ODA của quốc tế để phát triển các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, quản lý điều hành,Bến Tre còn gặp một số khó khăn, như chưa chủ động được nguồn tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhân rộng các mô hình canh tác phù hợp. Khả năng cảnh báo, dự báo thiên tai còn hạn chế...


Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại xã Mỹ An, một trong những nơi ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

Đại diện UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị QH thông qua hoạt động đối ngoại, đề xuất với Liên minh châu Âu (EU), Quỹ bảo vệ môi trường toàn cầu (GEF), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ, hợp tác hai dự án thí điểm ở Bến Tre làm mô hình thí điểm nhân rộng cho ĐBSCL là “Dự án Thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển sinh thái tại đồng bằng sông Mekong”, “Dự án phát triển xã Hưng Phong (Cồn Ốc) thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng”. Kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn ngân sách, kết nối tạo điều kiện để  các tỉnh, địa phương tiếp cận với nguồn hợp tác, hỗ trợ quốc tế; ban hành Nghị định về giảm phát khí thải nhà kính, hướng dẫn về tín chỉ và thị trường cacbon, xem xét nhân rộng các mô hình hợp tác quốc tế cấp địa phương trong khuôn khổ ASEM đã được Chính phủ xúc tiến thành công để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận các mô hình, giải pháp phát triển bền vững của thế giới.

 Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bến Tre kiến nghị sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu biến đổi khí hậu quốc gia, cơ sở dữ liệu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đề hỗ trợ địa phương trong đánh giá tác động, hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch ứng phó lâu dài.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Sỹ Cương ghi nhận nỗ lực của Bến Tre trong ban hành các kế hoạch, văn bản quy phạm phám luật cũng như hành động cụ thể hướng dẫn người dân trên địa bàn ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thờiđề nghị UBND tỉnh Bến Tre bổ sung, hoàn thiện báo cáo để gửi về QH.

Tại Bến Tre, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại hai xã Thạnh Hải và Mỹ An của  huyện Thạnh Phú.

Tin và ảnh: Vũ Châu