Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn

- Thứ Ba, 27/08/2019, 14:51 - Chia sẻ
Sáng 27.8, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, đã chủ trì cuộc làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cùng dự còn có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng.

Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em diễn ra tương đối phức tạp. Từ năm 2015-2019 trên địa bàn xảy ra 78 vụ xâm hại trẻ em, trong đó trẻ bị bạo lực là 8 em, trẻ em bị xâm hại tình dục là 45 em, mua bán trẻ em là 12 em. Các hình thức gây tổn hại khác như: bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; hỗ trợ xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn, các hành vi xâm hại khác 22 em. Tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại diễn ra tương đối phức tạp với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở hầu hết các địa bàn trên toàn tỉnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình xâm hại trẻ em do một số gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và hạn chế hiểu biết về luật pháp và các hành vi vi phạm quyền trẻ em, chưa nhận thức được trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, chăm sóc trẻ em ở một số nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Các em có sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi, còn hạn chế trong nhận thức, thiếu kỹ năng phòng ngừa và tố giác người xâm hại.


Toàn cảnh buổi làm việc

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: xây dựng và hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ em bị xâm hại; thống nhất hoạt động phối hợp liên ngành để xác minh, điều tra, xử lý từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại. Nghiên cứu đưa ra bộ chỉ số thống kê tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống; dự báo tình hình, từ đó có các giải pháp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em; tăng cường phối hợp kiểm tra công tác bảo vệ trẻ em, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em tại cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em kết hợp với đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh.

Đối với người phạm tội cần xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm. Tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Xây dựng, bố trí nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở và lực lượng công tác viên trẻ em…

Thành viên Đoàn giám sát đánh giá, Lạng Sơn đã quan tâm, triển khai một số biện pháp, hoạt động nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn về tầm quan trọng và quan tâm hơn đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, báo cáo chưa có số liệu cụ thể về số lượng trẻ em áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại; chưa có số liệu về các cuộc thanh tra, kiểm tra. Đối với 14 vụ xâm hại bị xử lý hành chính, vậy hình thức và mức xử phạt hành chính được áp dụng đối với các trường hợp này như thế nào, thành viên Đoàn giám sát đặt câu hỏi.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận những kết quả Lạng Sơn đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của tỉnh quan tâm đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; công tác tuyên truyền phong phú, tương đối hiệu quả. Chất lượng xử lý tin báo, xét xử các vụ án về vấn đề này chất lượng tương đối tốt. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga cũng chỉ rõ, một số cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả chưa cao, chưa có các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về vấn đề này… Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga đề nghị, các ngành của tỉnh phải thực hiện đúng nhiệm vụ về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em theo quy định; cần tiến hành một số cuộc kiểm tra chuyên đề, HĐND tỉnh cần có cuộc giám sát chuyên đề về vấn đề này. Từ thực tế của địa phương, tỉnh cần có dự báo tình hình về xâm hại trẻ em, từ đó đưa ra giải pháp phòng, chống cho hiệu quả…

Tin và ảnh: Hà An