Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh góp ý dự án Luật Kiến trúc

- Thứ Năm, 13/02/2020, 09:42 - Chia sẻ
Sáng 11.4, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Kiến trúc.

Ngay sau khi được QH đã thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV, dự án Luật Kiến trúc được UBTVQH chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý.

Đa số đại biểu tại Hội thảo cho rằng, nền kiến trúc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển theo mục tiêu giàu bản sắc dân tộc nhưng cũng hiện đại, hội nhập quốc tế. Với những hạn chế, bất cập chưa thể khai thông, nhất là khi chưa có văn bản pháp luật để quản lý lĩnh vực kiến trúc, nhiều đại biểu tin tưởng việc ban hành Luật Kiến trúc sẽ góp phần xây dựng đội ngũ kiến trúc có đủ năng lực, tạo điều kiện, môi trường cho đội ngũ kiến trúc sư hành nghề tốt, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.


Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh góp ý dự án Luật Kiến trúc

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam (Điều 6), có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam. Dự thảo Luật hiện nay đã tiếp thu vấn đề này. Theo các đại biểu, dự thảo đã quy định rõ các hoạt động kiến trúc được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích để làm cơ sở thực hiện quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Về Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, dự thảo Luật đã quy định rõ hơn đối tượng quản lý kiến trúc, gồm: (1) khu vực xây dựng công trình; (2) Kiến trúc của khu vực xây dựng (kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn và khu vực chức năng; (3) Công trình có công năng khác nhau (nhà ở, công trình công cộng, công trình giao thông…); (4) các chủ thể trong hoạt động quản lý kiến trúc (cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội – nghề nghiệp…)

Về các hành vi bị cấm trong hoạt động kiến trúc (Điều 9), một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được điều cấm với từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, cấm các hành vi đối với kiến trúc sư, nhà đầu tư hay các hành vi của cơ quan quản lý của Nhà nước về kiến trúc. Do đó, đề nghị dự thảo Luật cần có sự phân loại rõ ràng và chỉ đích danh đối tượng để bảo đảm được biện pháp chế tài phù hợp với người vi phạm. Về thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc, thời hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc (Điều 27) quy định tại cấp tỉnh là chưa hợp lý. Theo các đại biểu, quy định như vậy sẽ thêm nhiều việc cho cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, nên giao quyền hạn này cho tổ chức xã hội nghề nghiệp (như Hội kiến trúc sư). Hội quản lý và nắm rõ về khả năng, cách thức hoạt động của các kiến trúc sư nên Hội sẽ phải có cách quản lý và tổ chức thi sát hạch phù hợp cho các kiến trúc sư.

Tin và ảnh: Trung Thành