Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật Hòa giải

- Thứ Tư, 16/10/2019, 17:44 - Chia sẻ
Ngày 16.10, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tiếp xúc cử tri chuyên đề trước Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy chủ trì Hội nghị.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 29 điều quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. 

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.


Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tại hội nghị

Các đại biểu đã góp ý vào một số nội dung trong dự thảo Luật như: kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại ở Tòa án; việc phân công thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao; xem xét, thụ lý vụ việc ngay sau khi hòa giải, đối thoại không thành theo quy định của pháp luật tố tụng; tiêu chuẩn của hòa giải viên; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại miễn nhiệm hòa giải viên tại Tòa án nhân dân nơi họ có nguyện vọng làm việc; trình tự phân công, xử lý đơn kiện, đơn yêu cầu tại tòa án; cần quy định cụ thể với từng lĩnh vực tố tụng trong thời hạn hòa giải, đối thoại; trình tự thủ tục phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải; vấn đề hòa giải, đối thoại không thành, không tiến hành hòa giải, đối thoại được hoặc không được hòa giải…

Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn việc phân công hòa giải viên cần phải giao cho Tòa án, không phải giao cho thẩm phán theo quy định của dự thảo luật. Trình tự phân công hòa giải viên cần có những điều chỉnh cho phù hợp hơn. Bên cạnh đó, việc quy định tiêu chuẩn của hòa giải viên không thuộc biên chế của Tòa án sẽ nảy sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý, theo dõi hoạt động của các hòa giải viên. Ngoài ra, quy định hòa giải viên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của tài liệu, chứng cứ do các bên tham gia hòa giải, đối thoại cung cấp sẽ gây ra những vấn đề bất cập. Trong dự thảo Luật chưa có quy định mức kinh phí cho đối tượng hòa giải viên được hưởng trong mỗi vụ việc...

Về tiếp xúc cử tri chuyên đề, cử tri đề nghị bổ sung thẩm phán cho Tòa án tỉnh Tuyên Quang vì hiện lượng án tăng nhiều so với năm trước, trong khi thẩm phán không tăng. Thẩm phán giải quyết lượng án rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải. Đồng thời, đề nghị nâng mức chi bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự (hiện nay áp dụng theo Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg là thấp); đề nghị xây dựng chế độ lương cho thẩm phán phải xứng đáng với quy trình mà Chủ tịch Nước đã bổ nhiệm...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy nhấn mạnh: dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có. Phó Trưởng đoàn Ma Thị Thúy đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu, của các ngành liên quan. Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp báo cáo trình QH tại Kỳ họp sắp tới.

Tin, ảnh Ngọc Hưng