Bộ kit xét nghiệm Covid-19 made in Vietnam

Độ chuẩn xác, độ nhạy tương đương quốc tế

- Thứ Năm, 19/03/2020, 08:34 - Chia sẻ
Đó là nhận định của các nhà khoa học, các cơ sở xét nghiệm nCoV về bộ sinh phẩm phát hiện virus Corona chủng mới (kit test nhanh Covid-19) do Việt Nam sản xuất tại cuộc họp “Tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về các hướng nghiên cứu tiếp theo để phục vụ tốt hơn công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn mới.

Gần 20 quốc gia đặt mua bộ kit “made in Vietnam”

Phát biểu trước các nhà khoa học, đại diện các cơ sở xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chia sẻ, hiện nay có một số luồng ý kiến hoài nghi về chất lượng của bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y và công ty công nghệ Việt Á phối hợp sản xuất so với bộ kit một số quốc gia khác. Tuy nhiên, theo ông Tạc, hôm nay chúng ta rất vui mừng vì lần đầu tiên có được bộ kit do chính người Việt Nam nghiên cứu sản xuất ứng dụng trong chẩn đoán chủng virus corona mới (SARS - CoV-2). “Chúng ta còn tự hào hơn, đến nay theo báo cáo của đơn vị sản xuất cho biết, nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua bộ kit do Việt Nam sản xuất. Thành công này không chỉ là câu chuyện ở riêng Việt Nam “ứng phó” tốt cho công tác chống dịch mà đã vươn tầm quốc tế”, ông Tạc chia sẻ.


Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi tham vấn các nhà khoa học về nghiên cứu phòng ngừa Covid-19 giai đoạn mới
Ảnh: Nhật Anh

Tiếp lời Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt - đơn vị phối hợp với Học viện Quân y sản xuất bộ kit test nhanh Covid-19 cho biết: Hiện có gần 20 quốc gia đang đàm phán để mua bộ sinh phẩm kit test nhanh Covid-19 do công ty sản xuất, gồm Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine... Trước mắt công ty ký hợp đồng đặt hàng với Iran xuất khoảng 200.000 test (4.000 bộ), Ukraine đặt hàng mua 15.000 test (300 bộ). Còn với thị trường trong nước, hiện thành phố Hà Nội cũng đặt 200.000 test để sử dụng cho người dân nghi nhiễm và xuất khẩu tặng Italy.

Theo đánh giá của các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu đang tập huấn kỹ thuật xét nghiệm tại các cơ sở trong nước thuộc các cơ sở: CDC Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, CDC Bắc Giang, Bệnh viện Bạch Mai thì bộ kit test nhanh Covid-19 của Việt Nam có nhiều ưu điểm độ chuẩn xác, độ nhạy tương đương quốc tế, thậm chí cho kết quả nhanh hơn, dễ sử dụng hơn so với kit của CDC Mỹ và WHO đang sử dụng.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết: Bộ kit được đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế nên ngay các bệnh viện cấp tỉnh, các trung tâm y tế dự phòng địa phương cũng có thể xét nghiệm. “Việt Nam hiện có 30 cơ sở có thể xét nghiệm nCoV, trong đó có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Hà Nội, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang. Các đơn vị này đã chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn cho 22 phòng xét nghiệm đủ máy móc và nhân lực theo tiêu chuẩn của WHO”, đại diện Bộ Y tế cho biết thêm.

“Trước tình trạng dịch xảy ra đột ngột và bất ngờ, các nhà khoa học đã sẵn sàng vào cuộc, đặc biệt nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã tạo ra bộ kit diễn ra vỏn vẹn trong một tháng. Điều này giúp Việt Nam không chỉ chủ động về nguồn kit test Covid-19 trong nước, mà nay còn xuất khẩu. Đây là điều hết sức tự hào của nền khoa học công nghệ trong y học Việt Nam”

Thứ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ PHẠM CÔNG TẠC.

Tiếp tục nghiên cứu phòng ngừa Covid-19 giai đoạn mới

Các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các bệnh viện cho rằng, trong bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay, bên cạnh bộ kit phát hiện nhanh, chính xác bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, thì cũng cần sản xuất các loại kit di động để tiến hành sàng lọc nhanh tại các khu vực như sân bay, nhà ga. Thậm chí, nghiên cứu và chế tạo robot để giảm áp lực, lo lắng của các bác sĩ, y tá đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

GS.TS. Nguyễn Văn Kính chia sẻ: Nếu có robot khử khuẩn trong các buồng cách ly, lau rửa bề mặt và hỗ trợ trong quá trình khám chữa bệnh thì sẽ giảm tải rất lớn cho các y, bác sĩ. Điều quan trọng hơn đó là chống lây nhiễm chéo cho gia đình và cả bản thân họ. Đồng quan điểm, GS.TS. Lê Bách Quang cho rằng: Cần nghiên cứu và chế tạo robot thực hiện các công việc dọn dẹp trong khu vực dễ lây nhiễm, robot đưa cơm, robot chăm sóc... đồng thời nghiên cứu sản xuất vaccine phục vụ cho điều trị Covid-19. Ngoài ra cần chủ động máy thở, mở rộng số phòng thí nghiệm được xét nghiệm virus. “Thời gian qua số lượng phòng thí nghiệm được phép thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác xét nghiệm”, GS.TS. Lê Bách Quang cho hay.

Đánh giá cao các đề xuất của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định trong bối cảnh nguy cơ dịch có thể bùng phát trên diện rộng, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn lắng nghe những “hiến kế” của các nhà khoa học để đưa ra những giải pháp khoa học nhằm ứng phó, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiện nay. “Với những trường hợp cấp bách Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ giải quyết,” Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ.

CHÍ TUẤN