Vai trò của Thư viện Quốc hội

Định nghĩa lại khái niệm Thư viện Quốc hội

- Thứ Sáu, 30/08/2013, 08:53 - Chia sẻ

Vai trò hỗ trợ hoạt động lập pháp của Thư viện Quốc hội và dịch vụ nghiên cứu là rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động thư viện nói chung và thư viện của Quốc hội nói riêng đang gặp rất nhiều thách thức. Trước hết, sự nổi lên của các công cụ tìm kiếm thông tin trên internet đã đặt thư viện Quốc hội vào thế phải cạnh tranh với một nguồn thông tin vừa sẵn có lại vừa đa dạng. Trong khi đó, nguồn lực dành cho thư viện ở Quốc hội một số nước sau một thời gian dài được đầu tư đã bắt đầu giảm xuống (ví dụ như ở Singapore, Australia...). Đồng thời, nhu cầu thông tin của các đại biểu Quốc hội ngày càng cao hơn, đòi hỏi lượng chất xám nhiều hơn do trình độ học vấn của các đại biểu ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, các thảo luận tại hội nghị cho thấy thư viện Quốc hội ở nhiều nước đang cố gắng để định nghĩa lại chính mình. Xu hướng này tập trung vào hai mục tiêu cơ bản: Gắn kết hơn với nhu cầu của cá nhân từng đại biểu Quốc hội; Xây dựng các dịch vụ dễ nhận diện và dễ tiếp cận.

Để thực hiện mục tiêu gắn kết hơn với nhu cầu cá nhân của các đại biểu Quốc hội, các thư viện Quốc hội đang điều chỉnh từ việc cung cấp các thông tin một cách toàn diện nhất sang cung cấp theo đúng nhu cầu nhất.

Điều đó có nghĩa là việc cung cấp thông tin hướng đến những gì đại biểu cần nhất, không dàn trải như trước đây. Chiến lược này vừa giúp giảm chi phí hoạt động của thư viện vừa giảm chi phí thời gian của các đại biểu khi tiếp cận thông tin. Những thông tin mang tính nền tảng, được cung cấp một cách đồng đều tới đại biểu Quốc hội được giảm xuống cũng phù hợp với thực tế là những thông tin đó ngày nay các đại biểu có thể tiếp cận được dễ dàng thông qua các công cụ tìm kiếm thông tin phổ thông trên internet. Hơn thế nữa, khi mà chất lượng của đại biểu Quốc hội ngày càng cao thì những thông tin mang tính nền tảng nhiều khi cũng không cần thiết. Thay vào đó, những thông tin mang tính chuyên sâu, cần phải có quá trình xử lý của các chuyên gia nghiên cứu, biên soạn thông tin lại trở nên cần thiết hơn đối với từng đại biểu.

Thư viện của Quốc hội một số nước còn đi xa hơn trong việc phân tích nhu cầu của các đại biểu để có các giải pháp cung cấp phù hợp với từng đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn, ở Thư viện Quốc hội Singapore, vào mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, hồ sơ của các đại biểu Quốc hội sẽ được phân tích để xác định xu hướng sử dụng thông tin của từng nhóm đại biểu Quốc hội để từ đó Thư viện Quốc hội có các giải pháp tập trung cung cấp thông tin phù hợp.

Để bảo đảm các dịch vụ của Thư viện dễ nhận diện và dễ tiếp cận, các thư viện Quốc hội đang chuyển dần từ hình thức phục vụ truyền thống sang hình thức phục vụ phi truyền thống.

Một số thư viện Quốc hội như của Singapore, Zambia, Australia, Brazil... đã áp dụng hình thức phục vụ từ xa thông qua các công cụ điện tử như tra cứu trực tuyến qua các phương tiện điện tử cầm tay (điện thoại, máy tính bảng...) hoặc sử dụng các mạng xã hội (social media) v.v... Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, một mặt thư viện Quốc hội các nước phải tiến hành số hóa một số lượng lớn hoặc toàn bộ các tài liệu của mình và tạo nên các công cụ kỹ thuật số phù hợp. Mặt khác, các đại biểu Quốc hội cũng cần phải được hướng dẫn để có thể sử dụng thành thạo các công cụ số mà thư viện cung cấp.

Để đưa các dịch vụ của Thư viện đến gần hơn với các đại biểu, Thư viện Nghị viện Liên minh châu Âu còn sử dụng hình thức “thư viện bất chợt” (pop-up library) để đưa các sách, ấn phẩm, báo cáo nghiên cứu đến gần hơn với đại biểu. Theo đó, các ấn phẩm, các báo cáo nghiên cứu sẽ được trưng bày trên các giá ở những nơi các đại biểu thường đi qua để họ có thể nhận được thông tin hoặc đưa ra các yêu cầu cung cấp dịch vụ thư viện một cách dễ dàng.

Từ những xu thế gần đây trong quá trình phát triển của thư viện Quốc hội cho thấy Thư viện Quốc hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bài toán đặt ra cho các Thư viện Quốc hội là phải tìm giải pháp để khẳng định tính đặc thù của mình cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ, phục vụ tốt hơn hoạt động của Quốc hội.

Hàn Lam