Thông điệp K = K

“Điều trị là dự phòng”

- Thứ Tư, 15/05/2019, 07:53 - Chia sẻ
“Không phát hiện = Không lây truyền” (K = K) là thông điệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp tăng cường nhận thức và làm thay đổi cuộc sống của những người sống chung với HIV, giúp cộng đồng người nhiễm HIV có niềm tin vượt qua bệnh tật, hòa nhập với cộng đồng.

Từ phát hiện…

K = K là một thông điệp mới về điều trị bằng thuốc khác virus (ARV) với người nhiễm HIV. Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. K = K cũng có vai trò rất quan trọng trong việc xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV và là nền tảng khoa học cho chiến lược “điều trị là dự phòng”. Bởi phát hiện này đã trút bỏ được gánh nặng sợ lây truyền cho người khác của người nhiễm HIV, giúp họ có hy vọng vào tương lai, không còn mặc cảm, kỳ thị bản thân và có thể xây dựng các mối quan hệ như người bình thường.


K=K là một bước tiến quan trọng để tiến tới mục tiêu kết thúc HIV/AIDS vào năm 2030

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Phan Thị Thu Hương, nếu một người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV tốt sau 6 tháng thường sẽ đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/1ml máu), nếu duy trì ổn định sẽ không làm lây truyền HIV. Song, thực tế cho thấy, rất nhiều người không biết điều này và bắt đầu điều trị ARV khá muộn. Hiện tại ở Việt Nam mới có khoảng 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; khoảng 70% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 94% số người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Vì vậy, truyền thông về K = K nhằm giảm thiểu sự kỳ thị, hướng tới xét nghiệm HIV sớm, điều trị ARV mở rộng là cốt lõi để kết thúc đại dịch HIV/AIDS. Theo các chuyên gia, để lan tỏa thông điệp này, cần có giải pháp cụ thể nhằm tiếp cận được với người nhiễm HIV, giúp họ nhận thức đúng và chủ động trong việc điều trị ARV. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế TP Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho 18 cơ sở điều trị tăng 5.000 chỉ tiêu điều trị mới, nâng tổng số lên 17.000 người. Ngoài ra, cũng áp dụng biện pháp thưởng tiền, với mức cao nhất là 1,8 triệu đồng cho bất cứ ai phát hiện người nhiễm HIV và đưa được người đó đi điều trị. Các nhân viên y tế động viên được người nhiễm HIV điều trị ARV tại ngay thời điểm phát hiện ra bệnh cũng được “thưởng nóng ở mức cao”.

… tới điều trị hiệu quả

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, đến nay đã có 190 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV nguồn BHYT, tương ứng hơn 48 nghìn bệnh nhân trong năm 2019.

Dưới góc độ “người trong cuộc”, Trưởng ban Điều hành Liên minh Hỗ trợ tuân thủ điều trị cho Người có HIV Đoàn Thị Khuyên chỉ rõ, điều trị HIV là một hành trình mệt mỏi và cô độc đối với bệnh nhân nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, nhân viên y tế và xã hội. Điều này dễ dẫn đến không tuân thủ điều trị hay bỏ điều trị, gây nguy hại đến không chỉ bản thân bệnh nhân mà còn có tác động không tích cực đến cộng đồng.

Trong khi đó, theo Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai Đỗ Duy Cường, không có bệnh nào phải điều trị nghiêm ngặt, phải tuân thủ phác đồ chặt chẽ như HIV. Chỉ cần người bệnh chủ quan uống sai giờ, hay dừng thuốc vài phút, vài tiếng, vài ngày, thậm chí cả tháng vì cho rằng không sao, nhưng sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khó điều trị. 

Điều đó đòi hỏi, truyền thông về K = K phải tập trung vào việc động viên mọi cá nhân có nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV, để từ đó họ có thể được điều trị ARV sớm hoặc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho những người âm tính. Đồng thời, cần làm rõ, K = K chỉ đạt được khi người có HIV duy trì uống ARV hàng ngày theo chỉ định và định kỳ theo dõi tải lượng virus của mình.

Nhằm bảo đảm tính liên tục trong quá trình điều trị HIV, cùng với việc chú trọng công tác tuyên truyền, ngành y tế cũng triển khai hệ thống quản lý bệnh nhân tham gia điều trị ARV gồm quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV, hồ sơ bệnh án điện tử; kết nối dữ liệu tối thiểu 432 cơ sở điều trị và lồng ghép hệ thống thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Hệ thống này quản lý các bệnh nhân có thẻ BHYT và chưa có thẻ BHYT, xác định được danh tính bệnh nhân kể cả khi bệnh nhân chuyển viện sang các địa bàn, tuyến khác; bảo đảm bệnh nhân nhận các nguồn thuốc khác nhau cũng tổng hợp nắm được con số, không bị trùng lặp trong cấp phát thuốc. Hệ thống này cũng cấp mã định danh và quản lý người bệnh trên toàn hệ thống; theo dõi, giám sát quản lý, sử dụng và quyết toán thuốc kháng HIV nguồn BHYT.

Thảo Mộc