Điều kiện làm việc của nghị sỹ: Lương tương xứng với nghề

- Thứ Sáu, 21/09/2007, 00:00 - Chia sẻ
Nghị sỹ các nước thường được trả lương tương đối cao, không chỉ nhằm bảo đảm điều kiện vật chất mà còn xuất phát từ tính chất công việc đòi hỏi những khoản phí tổn rất lớn.

      Một nguyên tắc bất di bất dịch ở Nghị viện các nước liên quan đến lương của nghị sỹ là tính độc lập của Nghị viện về nguồn ngân sách. Nghị viện trả lương cho nghị sỹ bằng ngân sách riêng chứ không phụ thuộc vào ngân sách chung của quốc gia do Chính phủ trình. Độc lập về ngân sách là nhân tố tiên quyết bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của cơ quan lập pháp với các cơ quan Nhà nước khác.
      Ở hầu hết các Nghị viện, các khoản chu cấp cho nghị sỹ đều được quy ra tiền mặt: Từ lương, trợ cấp để tổ chức tiếp xúc cử tri, tiền đi lại, tiền thuê văn phòng, nhân viên; tiền lương hưu. Ngoài lương, các khoản khác không phải chịu thuế. Ở Nghị viện bang New Brunswick, Canada, ngay từ đầu thập niên 1990, mỗi năm một nghị sỹ đã được cấp một khoản tiền cho 30 lần đi lại. Sau 10 kỳ họp từ đầu tiên, mỗi nghị sỹ mặc nhiên sẽ có một khoản lương hưu khi mãn nhiệm, bất kể độ tuổi nào. Kể cả một nghị sỹ mãn nhiệm khi mới hơn 20 tuổi cũng được nhận lương hưu. Tuy nhiên, sau đó, bang này đã sửa đổi quy định, yêu cầu một nghị sỹ chỉ được nhận lương hưu nếu nghị sỹ đó từng làm nghị sỹ ít nhất 8 năm và đủ 60 tuổi khi mãn nhiệm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định này có thể làm giảm lòng nhiệt thành ứng cử nghị sỹ của những người trẻ tuổi. Mỗi nghị sỹ cũng được chu cấp khoản trợ cấp để thuê văn phòng nghị sỹ tại khu vực bầu cử, có các trang thiết bị văn phòng tối thiểu như điện thoại, máy fax, máy tính nối mạng, và một vài nhân viên. Chẳng hạn, mỗi nghị sỹ bang Quebec, Canada mỗi năm được nhận hơn 120 ngàn đôla Canada đủ để thuê ba nhân viên giúp việc. Nói chung, đối với nhiều người dân bình thường, lương và các khoản trợ cấp của nghị sỹ có vẻ cao nhưng so với thu nhập của khu vực tư nhân, lương của nghị sỹ chỉ vào diện trung bình.
      Có một điểm đáng chú ý là khi tính lương nghị sỹ để kế toán, kiểm toán, người ta không tính các khoản trợ cấp đi lại, thuê văn phòng, thuê nhân viên. Bởi lẽ, nghị sỹ có thể dùng tiền lương vào chi tiêu cá nhân, nhưng các khoản khác nghị sỹ phải dùng đúng với mục đích, nếu làm khác tức là trái luật, và nghị sỹ không được nhận lại khoản hoàn thuế. 
      Lương và các khoản thu nhập của nghị sỹ thường thu hút sự chú ý của công luận vì đó là tiền đóng thuế của người dân. Bởi vậy, các khoản lương và thu nhập của nghị sỹ được công khai. Ở các nước khối Thịnh vượng chung, Ủy ban Tài chính công của Nghị viện chịu trách nhiệm giám sát quá trình chu cấp lương cho nghị sỹ và công bố cho công luận biết. 
      Nói chung, nỗi bận tâm chính của cử tri không phải là nghị sỹ nhận được bao nhiêu, mà nghị sỹ ấy làm được những gì từ số tiền đó. Không ai thắc mắc về việc nghị sỹ được nhận những khoản tiền theo quy định, nhưng tự các nghị sỹ nhận thấy họ phải cống hiến xứng đáng với đồng tiền đóng thuế của cử tri và với lòng tin của công chúng.

Đức Lam