Điều kiện làm việc của nghị sỹ: Dịch vụ thông tin - nghiên cứu

- Thứ Sáu, 21/09/2007, 00:00 - Chia sẻ
Nhu cầu thông tin của Nghị viện các nước rất lớn và thực tế hoạt động của Nghị viện các nước cho thấy, khối lượng công việc của Nghị viện phụ thuộc khá nhiều vào nguồn thông tin, dịch vụ nghiên cứu mà Nghị viện nhận được.

      Nghị viện luôn cần những thông tin độc lập, đáng tin cậy để hiểu rõ hơn sự lựa chọn, chính sách của Chính phủ, đánh giá chúng có phù hợp hay không và đưa ra các phương án thay thế. Vì vậy, trong Văn phòng Nghị viện các nước thường có bộ phận cung cấp những dịch vụ thông tin, nghiên cứu với độ chính xác cao và có tính nghiên cứu chuyên sâu. Ngoài ra, Nghị viện còn có những bộ phận cung cấp thông tin về lĩnh vực đặc thù như ngân sách, tài chính. Nhận thức được vai trò quan trọng của thông tin, năm 1963, thư viện Quốc hội Pháp thành lập bộ phận thông tin hành pháp chịu trách nhiệm thu thập và phân tích thông tin về hoạt động của Chính phủ. Đến những năm 1970, bộ phận này phát triển thành Văn phòng Nghiên cứu và thông tin. Các nước khác như Anh, Đức, Canada cũng có những bước đi tương tự. 
      Thách thức lớn nhất trong thời đại ngày nay là làm sao để không “chết đuối” trong biển thông tin. Chính vì vậy, vai trò của các cơ quan dạng này là phân tích, giải thích thông tin sẵn có và chuyển tải thông tin khách quan tới Nghị viện và các nghị sỹ ở dạng dễ tiếp cận nhất, một cách kịp thời nhất.


      Nguồn thông tin phổ biến nhất của Nghị viện các nước là thư viện Nghị viện. Trong các dịch vụ thông tin phục vụ Nghị viện, thư viện luôn luôn đóng vai trò hết sức cốt lõi, bởi vì đây là cơ sở chủ yếu cung cấp thông tin  qua các nguồn phong phú và đa dạng: sách, báo, tạp chí, các ấn phẩm chuyên ngành, tài liệu nghiên cứu...
      Một nguồn thông tin - nghiên cứu phục vụ hoạt động nghị trường có thể bổ sung cho thư viện là các viện nghiên cứu. Đó có thể là cơ quan nghiên cứu độc lập nằm ngoài Nghị viện như Quỹ phát triển chế độ Nghị viện ở Nga, Trung tâm Nghị viện ở Canada, Trung tâm phát triển Nghị viện ở Philippines; hoặc là một bộ phận của Văn phòng Nghị viện như Viện Nghị viện ở Séc, Cơ quan nghiên cứu và tập huấn Nghị viện ở Ấn Độ hoặc Trung tâm thông tin Nghị viện ở Bangladesh. Dạng thứ ba kết hợp cả hai đặc điểm nói trên, như Viện Hoàng gia Prajadhipok của Thái Lan. Viện này hoạt động độc lập theo quy định của một đạo luật riêng, nhưng Chủ tịch Quốc hội Thái Lan lại là Chủ tịch Viện, còn Tổng thư ký của Viện hàng năm đều báo cáo trước cả hai viện của Nghị viện. Ngoài ra, vì tính chất quan trọng của vấn đề ngân sách, nhiều Nghị viện thành lập văn phòng ngân sách riêng nằm trong bộ phận nghiên cứu, hoặc nằm riêng thành bộ phận độc lập.

      Nghiên cứu về thư viện Nghị viện của 163 nước cho thấy, quy mô và đóng góp của thư viện Nghị viện các nước rất khác nhau, từ Thư viện Quốc hội Mỹ với hơn 110 đầu triệu sách và 75 ngàn đầu tạp chí, Thư viện Nghị viện Nhật Bản với 157 ngàn tạp chí và 8.000 đầu báo, cho đến Thư viện Nghị viện Burundi chỉ có 50 đầu sách và Thư viện Nghị viện Paraguay chỉ có một đầu tạp chí, số lượng nhân viên từ 767 người ở Mỹ đến chỉ có 1 người như ở Guatemala, Macedonia, Uzbekistan. Về dịch vụ nghiên cứu của thư viện, trong khi Thư viện Quốc hội Mỹ có 444 người, có những nước bộ phận nghiên cứu chỉ có 1 người như ở Algeria, Iran, Peru…

Hoài Thu