Điều kiện làm việc của nghị sỹ: Đặc quyền của nghị sỹ

- Thứ Sáu, 21/09/2007, 00:00 - Chia sẻ
Để đảm bảo sự độc lập và tính liên tục trong hoạt động của Nghị viện, nghị sỹ các nước có những đặc quyền nhất định. Đây là một dạng điều kiện để hỗ trợ nghị sỹ hoạt động. Do tính chất quan trọng của vị thế công mà nghị sỹ nắm giữ, những đặc quyền này cao hơn những quyền của công dân bình thường, được quy định trong Hiến pháp và một số văn bản pháp luật.

      Trước hết, đó là quyền bất khả xâm phạm nhằm bảo vệ các nghị sỹ khỏi sự truy tố hình sự. Nghị sỹ không bị trừng phạt, bắt giam và tước các quyền cơ bản vì hành vi vi phạm pháp luật của mình nếu không được Nghị viện chấp thuận. Mục đích của quyền này là để tránh trường hợp nghị sỹ có thể bị bắt một cách tuỳ tiện, làm gián đoạn công việc của nghị sỹ và Nghị viện. Tuy nhiên, quyền này không được áp dụng trong trường hợp nghị sỹ bị bắt quả tang đang có hành vi phạm tội. Quyền không bị truy cứu trách nhiệm hình sự chấm dứt khi nghị sỹ kết thúc nhiệm kỳ. Nghị sỹ không tự mình định đoạt quyền này, nên có thể hiểu đây là một đặc quyền của Nghị viện. 
      Thứ hai, đó là đặc quyền của nghị sỹ khi ở ngoài nghị trường không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những phát biểu của mình tại nghị trường, tại các ủy ban, nếu phát biểu mang tính chất công. Nghị sỹ cũng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về lá phiếu của mình; Về nội dung các dự luật do nghị sỹ đưa ra; Về các câu hỏi chất vấn; Các kiến nghị sửa đổi, bổ sung... cho dù lời lẽ của nghị sỹ có thể nặng nề, gay gắt đến đâu. Quyền này có nguồn gốc từ Anh. Qua nhiều thế kỷ, Nghị viện Anh đã thiết lập được quyền tối cao đối với Hoàng gia và toà án. Đến thế kỷ XVII, đặc quyền này được thể hiện tại Điều 9 của “Bill of Rights”. Quyền tự do phát biểu ở Nghị viện nhằm đảm bảo cho nghị sỹ khả năng áp đặt trách nhiệm giải trình lên Hoàng gia, Chính phủ. Theo lời một giáo sư nghiên cứu luật hiến pháp Anh, nếu thiếu quyền này, Nghị viện chỉ là “một câu lạc bộ tranh luận lịch sự nhưng kém hiệu quả”. Là đặc quyền hiển nhiên của nghị sỹ, quyền này được quy định tại khoản 6, Điều 1 của Hiến pháp Mỹ năm 1787. Quyền tự do phát biểu của nghị sỹ cũng được thể hiện trong các tuyên ngôn năm 1789 của Quốc hội Pháp. Ngày nay, quyền tự do phát biểu và biểu quyết của nghị sỹ được hiến pháp của nhiều nước quy định, hoặc trở thành những quy định bất thành văn ở Thụy Sỹ và Anh Quốc. Tuy nhiên, việc trao đặc quyền cho nghị sỹ không phải vì lợi ích của bản thân nghị sỹ, mà để bảo vệ quyền lợi công chúng. Do đó, nghị sỹ chỉ được sử dụng đặc quyền nếu nó phục vụ lợi ích chung. Nếu nghị sỹ lạm dụng những quyền này, có những lời nói quá khích, vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép, Nghị viện có những quy định cho phép trừng phạt cá nhân nghị sỹ đó như trừ lương, tước quyền phát biểu.
      Hạ nghị sỹ ở một số nước như CHLB Đức còn có quyền từ chối làm chứng. Quyền từ chối làm chứng và quyền tự do phát biểu đã trình bày ở trên có quan hệ mật thiết với nhau. Quyền này bảo đảm cho nghị sỹ tự do quyết định việc họ có ra làm chứng trước tòa hay không; bảo đảm sự độc lập và quyền tự quyết của nghị sỹ. Ngoài ra, để đảm bảo cho nghị sỹ hoạt động, luật nhiều nước cũng quy định, việc gây áp lực dưới bất kỳ hình thức nào lên nghị sỹ hoặc người thân của nghị sỹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.

Nguyễn Lê